Mới đây, Bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu thuộc Tập đoàn UOB đã công bố cáo báo về các diễn biến gần đây trên thị trường tài chính toàn cầu với các đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán và lo ngại về suy thoái ở Hoa Kỳ.
NHIỀU NỖI LO HỘI TỤ
Theo Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB, thị trường tài chính toàn cầu đã rơi vào hỗn loạn trong vài ngày qua, do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất sớm hơn dự kiến và báo cáo bảng lương phi nông nghiệp đáng lo ngại của Mỹ làm dấy lên nỗi lo về một cuộc suy thoái sắp xảy ra ở nước này
Ngoài ra, căng thẳng ở Trung Đông và rủi ro địa chính trị đã leo thang sau cái chết của một nhà lãnh đạo Hamas hàng đầu ở Iran chỉ vài ngày trước đó (31/7) trong bối cảnh xung đột đang diễn ra.
Trong sự kết hợp của nỗi sợ hãi và hoảng loạn, trong khoảng thời gian 2 ngày (2/8 và 5/8), chỉ số MSCI AC World giảm 5%, ba chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ giảm 4-6%, trong khi Nikkei của Nhật Bản lao dốc gần 18%. Trong thời gian này, đồng yên Nhật tăng giá 3,5% so với USD khi chỉ số đô la Mỹ (DXY) giảm 1,7%. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm lần lượt giảm 22,8 điểm cơ bản và 18,7 điểm cơ bản.
Chỉ số biến động (VIX hay thường được gọi là chỉ số sợ hãi) tăng vọt lên 38,57 vào ngày 5/8, mức cao nhất kể từ tháng 11/2020 khi nỗi sợ hãi bao trùm thị trường.
Cùng với đó, mối lo ngại về suy thoái kinh tế ở Mỹ đã được khơi dậy khi báo cáo về số việc làm mới được tạo ra tại nước này đã giảm mạnh xuống còn 114.000 vào tháng 7, tỷ lệ thất nghiệp tăng tháng thứ 4 liên tiếp, từ 4,1% lên 4,3% (cao nhất kể từ tháng 10/2021). Tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến cũng đã đẩy chỉ số Sahm vượt quá giới hạn và nhấp nháy tín hiệu suy thoái.
Bên cạnh đó, theo UOB, chỉ số Sahm – vốn được xem là thước đo đáng tin cậy về các cuộc suy thoái trong quá khứ của Mỹ, đưa ra giả thuyết rằng nếu tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ (dưới dạng trung bình 3 tháng) cao hơn ít nhất 0,5% so với mức tối thiểu của 12 tháng trước (3,5% trong trường hợp này), thì nền kinh tế đang ở giai đoạn đầu hoặc đã suy thoái. Chỉ số đó đã được “kích hoạt” khi tỷ lệ thất nghiệp mới nhất tăng vọt lên 4,3% vào thứ 6 tuần trước.
“Việc kích hoạt chỉ số Sahm đã dẫn đến một đợt bán tháo mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ vào thứ 6 tuần trước (ngày 2/8), đợt bán tháo này tăng tốc vào phiên giao dịch tiếp theo (ngày 5/8) do lo ngại về một cuộc suy thoái sắp xảy ra ở Mỹ hoặc thậm chí là “hạ cánh cứng” – tức là nền kinh tế rơi vào suy thoái để đổi lấy sự hạ nhiệt của lạm phát)”, các chuyên gia tại UOB nhận định.
Đồng thời, khi chỉ số Sahm kích hoạt cũng khiến các nhà phân tích thị trường cần điều chỉnh lại dự báo của họ về việc cắt giảm lãi suất của Fed mạnh hơn và nhanh hơn.
ĐỪNG ĐỂ BỊ CUỐN THEO CƠN LỐC
Theo UOB, dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy sự kết hợp giữa hoạt động kinh tế Mỹ đang hạ nhiệt và thị trường lao động đang yếu đi, cùng với việc lạm phát tiếp tục giảm, đủ để bảo đảm cho kịch bản Fed sẽ bắt đầu chu kỳ nới lỏng vào tháng 9.
Tuy nhiên, dữ liệu dường như không đủ yếu để gợi ý về việc cắt giảm lãi suất sâu hơn hoặc thậm chí là cắt giảm lãi suất khẩn cấp của Fed và tổng thể dữ liệu vẫn đang chỉ ra một kịch bản “hạ cánh mềm”.
Do đó, tình trạng bán tháo và hoảng loạn trên thị trường tài chính toàn cầu trong vài ngày qua là quá mức và dường như tách biệt khỏi các yếu tố cơ bản, vốn vẫn chưa cho thấy bất kỳ sự suy giảm lớn nào dựa trên dữ liệu và bằng chứng có sẵn.
Tuy nhiên, vẫn chưa biết khi nào tâm lý tiêu cực sẽ lắng xuống và trở lại môi trường lý trí hơn. Do đó, các bản công bố dữ liệu sắp tới của Mỹ bao gồm CPI (14/8), PCE (30/8) và bảng lương phi nông nghiệp (6/9) sẽ là một số báo cáo quan trọng để nắm bắt tình hình sức khỏe của nền kinh tế nước này. Bất kỳ thay đổi nhanh chóng nào đối với dữ liệu chắc chắn sẽ thúc đẩy tâm lý thị trường.
UOB cho rằng Hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole thường niên (24 – 26/8) sẽ là một diễn đàn khác đáng theo dõi để biết dự báo mới nhất từ nhiều ngân hàng trung ương lớn.
“Trong khi đó, hãy bình tĩnh và tiếp tục theo dõi và đừng để bị cuốn theo các cơn lốc của thị trường”, UOB khuyến nghị.
Trong trường hợp không có sự sụt giảm đáng kể về các yếu tố cơ bản và dữ liệu, UOB giữ nguyên dự báo về việc cắt giảm lãi suất 2 lần 25 điểm cơ bản vào năm 2024 (trong các cuộc họp FOMC vào tháng 9 và tháng 12) và 4 lần 25 điểm cơ bản cho đến năm 2025.
Tại thị trường Việt Nam, theo báo cáo của VinaCapital, chỉ số VN-Index tăng khoảng 10% từ đầu năm đến nay do kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận gần 19% trong năm 2024 và do các nhà đầu tư trong nước đang mua mạnh cổ phiếu – trái ngược với việc bán ròng mạnh của khối ngoại trong năm nay.
VinaCapital cho rằng sự phục hồi lợi nhuận doanh nghiệp từ mức giảm 5% năm ngoái lên mức tăng trưởng 19% năm nay được hỗ trợ bởi tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 5,1% năm 2023 lên mức dự kiến 6,5% trong năm nay. Việc các nhà đầu tư trong nước hăng hái mua cổ phiếu bắt nguồn từ việc lãi suất huy động ở Việt Nam vẫn dưới 5% – ngay cả đối với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng và thị trường bất động sản phần nào vẫn còn đóng băng, khiến thị trường chứng khoán và vàng trở thành các kênh đầu tư hấp dẫn, được các nhà đầu tư trong nước ưu tiên đổ tiền vào.
Theo ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, VinaCapital, nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng đa số trong khối lượng giao dịch chứng khoán tại Việt Nam, chiếm trung bình 90% giá trị giao dịch hàng ngày trong năm nay. Do đó lực mua của các nhà đầu tư cá nhân đã bù lại được lượng cổ phiếu trị giá 2,4 tỷ USD mà các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng từ đầu năm đến nay (sau khi đã bán ròng 1 tỷ USD trong năm ngoái).
Bên cạnh đó, khối ngoại bán ròng diễn ra chủ yếu bởi việc chốt lời và lo ngại về mức trượt giá khoảng 4% từ đầu năm đến nay của tiền đồng Việt Nam (VND) và do một số nhà đầu tư nước ngoài đang áp dụng phương pháp “chờ và theo dõi” trước các diễn biến chính trị gần đây trong nước.