Giữa kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) cùng hộ kinh doanh Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử: Chuyển đổi để bứt phá hay là bị bỏ lại phía sau. Chuỗi talkshow “Nâng tầm doanh Nghiệp Việt” do CafeF và Ngân hàng Quốc Tế (VIB), ngân hàng có bộ giải pháp tài chính toàn diện với lợi ích hàng đầu cho hộ kinh doanh và SME, phối hợp thực hiện với sự đồng hành của các chuyên gia hàng đầu về thuế, tài chính, marketing và social commerce, đã phác thảo nên một lộ trình toàn diện, trang bị những giải pháp tài chính, công nghệ và chiến lược marketing thông minh giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững.
Thanh toán không tiền mặt không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yếu tố sống còn đối với SME và hộ kinh doanh. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, chỉ tính riêng trong quý I/2025 người dân thực hiện khoảng 5,5 tỷ giao dịch không dùng tiền mặt với 82% các giao dịch được thực hiện qua kênh số, tổng giá trị đạt 40 triệu tỷ đồng.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào nhận định, thanh toán số đang thay đổi cách các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng và quản lý dòng tiền. Cụ thể, thanh toán số giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường hiệu quả hoạt động kinh doanh, giảm chi phí, nâng cao trải nghiệm khách hàng và mở rộng cơ hội tiếp cận các thị trường mới.
Bà Dung nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế số, các doanh nghiệp cần tận dụng công nghệ thanh toán để tối ưu hóa quy trình vận hành. Ví dụ, việc sử dụng các giải pháp như QR Code, SoftPOS hay cổng thanh toán trực tuyến không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn tăng tính minh bạch và an toàn trong giao dịch.
“Các xu hướng thanh toán không tiếp xúc, thanh toán qua thiết bị di động và quá trình chuyển đổi số đang tạo ra những tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh của SME”, bà Dung nhận định.
Trong bối cảnh trên, lãnh đạo của Visa cho rằng chuyển đổi sang thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp SME.
Trước hết, thanh toán số giúp cải thiện dòng tiền và rút ngắn thời gian thu hồi công nợ (DSO), yếu tố then chốt để đảm bảo hoạt động kinh doanh ổn định.
Tiếp đến, doanh nghiệp sẽ có tài chính minh bạch, dễ dàng lập báo cáo, kiểm toán và tích hợp với phần mềm kế toán. Đồng thời, việc thanh toán qua kênh số còn giúp khấu trừ thuế GTGT đầy đủ, giảm chi phí thuế hợp pháp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ từng bước xây dựng được hồ sơ giao dịch và dữ liệu tín dụng rõ ràng. Tất cả những lợi ích trên đều hướng tới mục tiêu cuối cùng: giúp doanh nghiệp tập trung vào điều quan trọng nhất, phục vụ khách hàng và xây dựng tăng trưởng bền vững.
Nói về xu hướng thanh toán số hiện nay, ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng Giám đốc VIB, nhấn mạnh về vai trò của các tổ chức tài chính trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Theo ông Minh, sự thay đổi nhỏ trong việc áp dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt có thể mang lại những giá trị vượt trội. Với các giải pháp thanh toán số như QR Code, SoftPOS, hay ứng dụng ngân hàng số của VIB, doanh nghiệp có thể quản lý dòng tiền hiệu quả hơn, từ đó tối ưu chi phí và gia tăng doanh thu. VIB đã triển khai nhiều giải pháp tài chính số, như tài khoản Siêu Lợi Suất dành cho doanh nghiệp, cho phép tận dụng dòng tiền nhàn rỗi để sinh lời với lợi suất lên đến 4,5%/năm, hay thẻ tín dụng doanh nghiệp VIB Business Card với thời gian miễn lãi 58 ngày, giúp SME và hộ kinh doanh linh hoạt hơn trong quản lý tài chính.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn là tư duy. Nhiều hộ kinh doanh vẫn e ngại về chi phí đầu tư ban đầu hoặc thiếu kỹ năng sử dụng công nghệ. Để giải quyết vấn đề này, VIB đã ra mắt ứng dụng VIB Business, tích hợp các công cụ thanh toán và quản lý tài chính theo thời gian thực, giúp doanh nghiệp dễ dàng theo dõi dòng tiền và tối ưu hóa chi phí.
“Gói giải pháp tài chính toàn diện – VIB Business là một hệ sinh thái tài chính được thiết kế riêng cho doanh nghiệp SME, bao gồm đầy đủ công cụ từ giao dịch, dòng vốn đến quản trị tài chính, đáp ứng toàn diện nhu cầu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0”, ông Trần Nhất Minh khẳng định.
Luật Thuế Giá trị Gia tăng sửa đổi và Nghị định 117/2025/NĐ-CP có hiệu lực trong tháng 6 – 7 với những quy định chặt chẽ hơn về việc quản lý thuế đã tạo ra không ít lo ngại trong cộng đồng SME và hộ kinh doanh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu biết cách thích nghi, đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp phát triển bền vững.
PGS.TS Lê Xuân Trường, chuyên gia về thuế, nhấn mạnh rằng chính sách thuế mới không chỉ nhằm tăng cường quản lý mà còn giúp minh bạch hóa thị trường. Ông giải thích, nộp thuế không chỉ là nghĩa vụ mà còn là cơ hội để doanh nghiệp xây dựng uy tín và tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế.
“Nộp thêm thuế nhưng lợi ích mang lại sẽ nhiều hơn, từ việc xây dựng thương hiệu đến việc mở rộng cơ hội kinh doanh.”, Ông Trường khẳng định và khuyến nghị các doanh nghiệp nên tận dụng các chương trình đào tạo từ cơ quan nhà nước và các đối tác như VIB để nắm bắt chính sách mới, từ đó biến thách thức thành lợi thế cạnh tranh.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc Đại diện TikTok Việt Nam, đồng tình rằng quy định mới là một bước tiến quan trọng. Ông khẳng định: “Theo Nghị định 117/2025/NĐ-CP, sàn thương mại điện tử có trách nhiệm thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh – Đây là một bước tiến quan trọng của xã hội.”
Theo ông Thanh, việc các nền tảng số như TikTok Shop thay mặt người bán nộp thuế sẽ giúp giảm tải gánh nặng kê khai, đặc biệt với những cá nhân và doanh nghiệp nhỏ thiếu kiến thức về thuế và kế toán. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật mà còn nâng cao tính minh bạch, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Ông Huy Nguyễn – Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ VIB – cũng cho rằng đây là một bước đi rất tích cực của cơ quan nhà nước để minh bạch hóa toàn bộ hoạt động thu – chi, doanh thu của các nhà bán hàng trên nền tảng số, từ đó quản trị tốt hơn. Tuy nhiên, vị chuyên gia ngân hàng này cũng chỉ ra rằng, nhiều hộ kinh doanh vẫn lo ngại về việc minh bạch hóa doanh thu. Ông nhận định: “Nguyên do thứ nhất đến từ tâm lý lo ngại tiết lộ doanh thu. Khi minh bạch hóa dòng tiền, tất cả giao dịch bán hàng đều phải khai thuế 100% qua nền tảng như TikTok hay tài khoản ngân hàng. Và tôi tin rằng không nhiều hộ kinh doanh sẵn sàng cho chuyện đó.”
Ngoài ra, theo ông Huy, phần lớn hộ kinh doanh vẫn còn bị động trước các chính sách mới, lo ngại thủ tục hành chính như đăng ký mã số thuế, sử dụng hóa đơn điện tử, phần mềm bán hàng hay xa hơn là kết nối với các nền tảng social commerce để tiến hành minh bạch hóa.
Bà Tường Nguyễn, Phó Tổng Giám đốc VIB cũng cho rằng, các hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ và vừa đang trải qua một giai đoạn có nhiều thay đổi, với những quy định mới về thuế có hiệu lực trong tháng 6 và tháng 7, đòi hỏi sự thích ứng trong một thời gian ngắn. Những thay đổi này mang đến cả cơ hội và thách thức, nhưng điểm tích cực nhất là sự minh bạch.
VIB tiên phong đồng hành cùng doanh nghiệp trong hành trình này, cam kết hỗ trợ toàn diện – cả về tài chính và phi tài chính – trong quá trình chuyển đổi số, minh bạch hóa doanh thu, nhằm vừa tuân thủ đúng quy định pháp luật, vừa phát triển một cách bền vững.
Theo đó, VIB đã tích hợp nhiều giải pháp thiết thực trên ứng dụng ngân hàng số dành riêng cho doanh nghiệp – VIB Business. Từ việc minh bạch hóa dòng tiền thông qua các giải pháp thanh toán như QR, SoftPOS, POS, cổng thanh toán… đến các dịch vụ như thu – chi hộ. Những giải pháp này sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận quá trình minh bạch hóa, đồng thời đảm bảo tốt hơn các yêu cầu về thuế.
“Đây là thời điểm quan trọng để doanh nghiệp chuyển đổi, nếu muốn phát triển bền vững và tăng sức cạnh tranh trong tương lai. VIB rất mong muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp, không chỉ thông qua các giải pháp tài chính mà còn cung cấp những tư vấn và hỗ trợ kịp thời, kể cả với các dịch vụ không thuộc lĩnh vực tài chính, để giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức và phát triển mạnh mẽ hơn”, Bà Tường Nguyễn cho hay.
Trong thời bùng nổ của nền kinh tế số, social commerce đang trở thành “cơ hội vàng” cho SME và hộ kinh doanh tại Việt Nam, bởi chỉ cần một không gian nhỏ, doanh nghiệp đã có thể tiếp cận hàng triệu khách hàng.
Ông Nguyễn Lâm Thanh chia sẻ: “Hộ kinh doanh, doanh nghiệp SME giờ đây chỉ cần một mét vuông để tiếp cận hàng triệu khách hàng.” Với sự phát triển của các nền tảng như TikTok Shop, Facebook Marketplace, hay Zalo Shop, mạng xã hội không chỉ là nơi kết nối mà còn là kênh bán hàng hiệu quả, giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu và sản phẩm một cách dễ dàng.
Theo ông Thanh, một trong những động lực lớn nhất của social commerce là livestream và shoppertainment (mua sắm giải trí). Ông giải thích: “Không gian livestream cho phép người bán hàng có thể chia sẻ một cách chi tiết, tỉ mỉ về tính năng, trải nghiệm khi sử dụng sản phẩm. Nhờ vậy, nhiều khán giả xem livestream dù ban đầu không có ý định mua, nhưng trong quá trình thưởng thức nội dung, họ nhận ra sản phẩm đó phù hợp với mình và phát sinh nhu cầu mua sắm”. Thống kê từ TikTok cho thấy, chỉ sau 3 năm triển khai TikTok Shop, đã có gần 4 triệu cá nhân và pháp nhân kinh doanh trên nền tảng, với hơn 30 triệu người tiêu dùng đã mua hàng.
Tuy nhiên, ông Huy Nguyễn, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ VIB, lưu ý rằng social commerce cũng đi kèm những áp lực. Theo ông Huy, một hộ kinh doanh hay doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trên nền tảng số phải có sự chuẩn bị về mặt tài chính. Khi vừa là nhà sản xuất, vừa bán hàng, vừa giao hàng, thì càng cần nguồn lực tài chính đủ để đảm bảo hoạt động. Ngoài ra, năng lực chuyển đổi số cũng là một thách thức lớn, khi nhiều doanh nghiệp còn thiếu nhân sự và kỹ năng để quản lý đồng thời các khâu như livestream, quảng cáo, và thanh toán.
Để hỗ trợ, VIB đã triển khai các giải pháp tài chính như thẻ tín dụng doanh nghiệp với hạn mức lên đến 1 tỷ đồng, miễn lãi 58 ngày, và hoàn tiền không giới hạn cho chi phí quảng cáo. Ông Huy nhấn mạnh: “Thông qua các phiên livestream, sản phẩm tài chính của ngân hàng trở nên gần gũi và thân thiện hơn với người dùng.” VIB cũng tích hợp các công cụ như QR Checkout và SoftPOS vào ứng dụng VIB Business, giúp doanh nghiệp quản lý thanh toán và dòng tiền một cách hiệu quả.
“Như vậy, với bộ giải pháp mà VIB đang triển khai, tôi tin rằng các hộ kinh doanh, doanh nghiệp sẽ không phải “đi một mình” mà luôn có sự đồng hành của các nền tảng xã hội, cùng các tổ chức tài chính như VIB. Hy vọng rằng với sự kết hợp này, chúng ta có thể cùng nhau đi nhanh hơn và xa hơn trong thời gian tới”, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ VIB nhấn mạnh.
Nói về triển vọng của social commerce, ông Nguyễn Lâm Thanh cho rằng thông tin hiện nay đã trở nên rất đầy đủ và phổ cập. Các nền tảng số, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước, đều có những chương trình hỗ trợ cụ thể – từ đào tạo kỹ năng, cung cấp công cụ, cho đến tổ chức các hoạt động hỗ trợ kết nối. Điều đó giúp cho mọi người rất dễ tiếp cận và học hỏi.
Tuy nhiên, điều cốt lõi nằm ở nhận thức và cần thay đổi tư duy. Với đặc thù của các nền tảng số hiện nay, mọi người hoàn toàn có thể bắt đầu từ quy mô rất nhỏ, với chi phí rất thấp. Vậy nên, rào cản lớn nhất chính là rào cản trong tư duy của người đứng đầu doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh. Nếu bản thân họ chưa sẵn sàng thay đổi, chưa dám thử, thì sẽ cảm thấy mọi thứ rất khó khăn. Nhưng chỉ cần vượt qua được rào cản đó, tin rằng “mình làm được”, thì mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều..
“Có những người bán hàng 50-60 tuổi, chưa từng sử dụng điện thoại thông minh, là người dân tộc thiểu số. Vậy mà chỉ sau 6 tháng học hỏi và kiên trì làm, họ đã sở hữu hàng trăm ngàn lượt theo dõi và bán hàng rất hiệu quả.” Ông Thanh chia sẻ và nhận định “cơ hội từ social commerce là dành cho tất cả, miễn là doanh nghiệp sẵn sàng học hỏi và hành động”.
Trong bối cảnh social commerce bùng nổ, marketing trên mạng xã hội trở thành “vũ khí” quan trọng để SME và hộ kinh doanh tiếp cận khách hàng. Tuy nhiên, làm thế nào để marketing hiệu quả mà vẫn kiểm soát được chi phí? Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc Marketing của Haravan, cho rằng: “Marketing đối với hộ kinh doanh, SME có một điều khác biệt là tạo ra sự gần gũi và gắn kết với cộng đồng xung quanh”.
Ông Tấn đề xuất 4 bước để xây dựng một kế hoạch marketing hiệu quả cho các doanh nghiệp SME và hộ kinh doanh:
Đầu tiên, nghiên cứu và phân tích thị trường: hiểu rõ khách hàng mục tiêu, cả online lẫn offline, cũng như các đối thủ cạnh tranh và xu hướng thị trường, ví dụ như nhu cầu trong mùa lễ Tết.
Tiếp theo, xác định mục tiêu và kế hoạch cụ thể, áp dụng mô hình SMART – cụ thể, đo lường được, có tính khả thi, thực tế, có thời hạn – để đặt mục tiêu rõ ràng và xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp.
Bước thứ ba là lựa chọn kênh marketing phù hợp: với sự đa dạng của các nền tảng như video ngắn, livestream hay mạng xã hội, cần chọn kênh mà khách hàng mục tiêu đang hiện diện để, “khách hàng ở đâu chúng ta hiện diện ở đó”, sau đó xây dựng nội dung phù hợp với từng kênh và nhóm đối tượng để tối ưu hiệu quả mà không tốn quá nhiều chi phí.
Cuối cùng là đo lường hiệu quả: marketing cần dựa trên số liệu, như số lượng khách hàng tiếp cận, doanh số đạt được hay chi phí bỏ ra, để đánh giá hiệu quả chiến dịch và điều chỉnh kịp thời.
Tuy nhiên, ông Tấn cũng chỉ ra những thách thức phổ biến của các hộ kinh doanh và doanh nghiệp SME trong hoạt động marketing là “chi phí và ngân sách tài chính của họ để đầu tư cho marketing nó thật sự không nhiều.” Nhiều doanh nghiệp nhỏ thiếu nhân sự chuyên môn, tập trung vào kết quả ngắn hạn, và không đo lường hiệu quả chi phí quảng cáo, dẫn đến lãng phí.
Bà Tường Nguyễn, đồng tình rằng quản trị chi phí là vấn đề then chốt. Bà cho biết VIB hiện cung cấp các giải pháp để đồng hành cùng các hộ kinh doanh và SME như VIB Business Card với hạn mức tín dụng lên đến 1 tỷ đồng, hoàn tiền 1% cho chi phí quảng cáo, và tài khoản Siêu Lợi Suất giúp sinh lời mỗi ngày đến 4,5%/năm từ dòng tiền nhàn rỗi. Ngoài ra, VIB Business App cho phép doanh nghiệp theo dõi chi phí theo thời gian thực, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả.
Nói về xu hướng marketing trong thời gian tới, ông Tấn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tận dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI). Ông cho biết, AI đang trở thành công cụ đắc lực, giúp SME tạo nội dung, tối ưu SEO, hoặc sản xuất video ngắn mà không cần đội ngũ lớn. Chỉ cần 1-2 nhân sự kết hợp với AI, doanh nghiệp có thể tăng hiệu quả đáng kể.
“Việc ứng dụng AI không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn tăng hiệu quả tiếp cận khách hàng, đặc biệt trong bối cảnh các nền tảng như TikTok sử dụng thuật toán để tối ưu hóa nội dung”, ông Tấn nhấn mạnh.
Theo ông Tấn, một chiến dịch marketing thành công cần thỏa mãn ba tiêu chí. Đầu tiên là đạt mục tiêu kinh doanh: tiếp cận đúng đối tượng khách hàng, tăng doanh số hoặc số lượng khách hàng mới như kế hoạch đề ra. Tiếp theo là chi phí hợp lý: chi phí bỏ ra phải tương xứng với kết quả, tránh tình trạng chi quá nhiều mà không đạt hiệu quả. Cuối cùng là xây dựng thương hiệu dài hạn: chiến dịch cần tạo dựng giá trị thương hiệu bền vững, tăng tỷ lệ khách hàng quay lại hoặc sẵn sàng chia sẻ trải nghiệm tích cực. Nếu thiếu một trong ba yếu tố này, chiến dịch có thể gây lãng phí hoặc không mang lại giá trị lâu dài.
“Marketing là cầu nối đưa sản phẩm và dịch vụ đến khách hàng, nhưng không phải yếu tố duy nhất quyết định thành công. Cốt lõi vẫn là sản phẩm, giá trị mang lại cho khách hàng, và hiệu quả vận hành của doanh nghiệp. Marketing chỉ là công cụ truyền tải, giúp khuếch đại giá trị đó. Nếu sản phẩm không tốt hoặc vận hành kém, dù marketing hiệu quả đến đâu, doanh nghiệp cũng khó bền vững.”, ông Tấn nhấn mạnh.
Bà Tường Nguyễn bổ sung: “Thay vì chúng ta tiết kiệm, thì chúng ta nên nghĩ đến bài toán tối ưu. Và tối ưu ở đây có nghĩa là không chỉ là giảm chi phí, mà chúng ta đầu tư một cách hợp lý.” Theo bà, một chiến dịch marketing thành công không chỉ đạt mục tiêu doanh thu mà còn phải xây dựng thương hiệu bền vững, khuyến khích khách hàng quay lại và lan tỏa giá trị.
Chuỗi talkshow “Nâng tầm Doanh nghiệp Việt” đã khẳng định một thông điệp rõ ràng: hành trình chuyển đổi là tất yếu, và các doanh nghiệp không hề đơn độc trên con đường này. Từ việc tối ưu dòng tiền, tuân thủ chính sách thuế, bùng nổ với social commerce cho đến marketing thông minh, tất cả đều cần một tư duy sẵn sàng thay đổi và những đối tác đồng hành tin cậy.
Với các giải pháp toàn diện và sự hỗ trợ thiết thực từ VIB, ngân hàng có bộ giải pháp tài chính toàn diện với lợi ích hàng đầu cho hộ kinh doanh và SME, cùng các chuyên gia đầu ngành, cánh cửa để SME và hộ kinh doanh Việt Nam vươn mình, phát triển bền vững và chinh phục những thị trường lớn hơn đang rộng mở hơn bao giờ hết.
Phụ nữ số
Theo Phụ nữ số
Copy link
Lấy link!
https://phunuso.baophunuthudo.vn/giai-bai-toan-tang-truong-cho-sme-va-ho-kinh-doanh-tu-toi-uu-dong-tien-minh-bach-thue-den-chinh-phuc-trieu-khach-hang-193250723095135224.htm