Một góc trung tâm TP.HCM nhìn từ trên cao. Ảnh: Sơn Nam |
Hút vốn lớn từ trung tâm tài chính
TS. Trương Minh Huy Vũ – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM khẳng định, TP.HCM có đủ tiềm năng và quyết tâm để trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là mục tiêu của riêng TP.HCM mà còn là một sứ mệnh quốc gia, được giao phó để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả nước. Điều này cho thấy tầm quan trọng của dự án này đối với sự phát triển chung của Việt Nam.
Theo ông Vũ, TP.HCM có nhiều điểm tương đồng với Thượng Hải (Trung Quốc) một trung tâm tài chính quốc tế thành công, với vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ logistics và được giao nhiệm vụ tiên phong.
Đây là thời điểm thích hợp để TP.HCM phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Bởi nhu cầu vốn lớn cho các dự án cơ sở hạ tầng như sân bay Long Thành, các tuyến metro, vành đai 4, đường sắt cao tốc Bắc – Nam… đặt ra tầm quan trọng của trung tâm tài chính trong huy động vốn.
Sự phát triển của công nghệ tài chính (fintech), đặc biệt là công nghệ chuỗi khối (blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI), cũng mở ra những cơ hội mới để chúng ta hiện thực hóa trung tâm tài chính quốc tế. |
Còn theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, trung tâm tài chính không chỉ là nơi tập trung các hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán hay đầu tư mà còn là nơi hội tụ của tri thức, công nghệ và sự kết nối toàn cầu.
Đây sẽ là động lực mạnh mẽ, nơi thu hút nguồn vốn với chi phí cạnh tranh để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các sản phẩm tài chính công nghệ cao, cũng như hỗ trợ cho doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp phát triển.
“Trung tâm tài chính không chỉ là dự án phát triển kinh tế mà còn là sự khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính; là bước đi chiến lược để kết nối sâu hơn với dòng chảy tài chính thế giới, thu hút nguồn lực và thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng” – ông Nên nói.
Cũng theo người đứng đầu Đảng bộ thành phố, trung tâm tài chính còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, dẫn dắt lĩnh vực công nghệ tài chính với xu hướng kinh tế xanh và bền vững. Sự thành công của trung tâm tài chính không chỉ phụ thuộc vào các chính sách mà còn là sự đồng lòng của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TP.HCM.
Theo các chuyên gia, các hoạt động nổi trội về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm… đang được xem là lợi thế đặc biệt giúp TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế.
Chủ động từ sớm, từ xa
Theo lộ trình dự kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đề án xây dựng trung tâm tài chính tại TP.HCM dự kiến ở khu vực quận 1 và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Với các cơ chế chính sách vượt trội, phù hợp thông lệ quốc tế nhưng từng bước, có kiểm soát theo lộ trình ở 2 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1, lựa chọn một số chính sách đặc thù phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam để áp dụng ngay hoặc có lộ trình rõ ràng, cụ thể, công khai. Bao gồm các đặc thù về cơ quan quản lý; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh; cho phép sử dụng tiếng Anh, ngoại tệ trong các giao dịch tài chính; cho phép áp dụng thuế, visa, giấy phép lao động đặc thù.
Giai đoạn 2 là từng bước nghiên cứu áp dụng các chính sách còn lại theo lộ trình phù hợp với thực trạng phát triển của trung tâm tài chính và điều kiện của Việt Nam.
Những chính sách đặc thù này nhằm hình thành các điều kiện nền tảng của trung tâm tài chính tại Việt Nam để tiến tới trở thành một trung tâm tài chính toàn diện toàn diện; tạo đột phá so với các trung tâm tài chính trong khu vực để thu hút dòng vốn đầu tư tài chính dịch chuyển trong một số lĩnh vực.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) chính thức đưa vào hoạt động từ cuối tháng 12/2024 mở ra cơ hội phát triển kết nối vùng cho TP.HCM. Ảnh: Sơn Nam |
Đầu tháng 1/2025, tại cuộc họp triển khai kết luận số 47 của Bộ Chính trị về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế ở Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, thành phố đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thông qua nhiều đề án, nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm từ các trung tâm tài chính lớn trên thế giới.
Theo ông Nên, việc thành lập trung tâm tài chính đã được thành phố chủ động chuẩn bị rất kỹ từ sớm, từ xa, bởi trung tâm tài chính không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho TP.HCM và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn quốc tế, mà còn mở rộng cơ hội thực hiện các dự án trọng điểm như đường sắt đô thị, vành đai và hệ thống cảng. Ngoài ra, trung tâm này còn góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và huy động thêm nhiều nguồn lực phát triển.
Do vậy, việc cần làm ngay đối với TP.HCM là chủ động thu hút nhân tài, không chỉ là thu hút những người giỏi về chuyên môn mà còn là thu hút những người có ý tưởng sáng tạo và có thể đóng góp vào sự phát triển của trung tâm; đồng thời tạo ra một môi trường làm việc hấp dẫn, với các cơ chế chính sách thuận lợi cho môi trường sống.
Theo các chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao cho trung tâm tài chính nên để thị trường vận hành, sự định hướng cho các trường đại học đồng hành. Thị trường sẽ tự đào tạo ra các chuyên gia kiểm toán, kế toán, luật sư và những người làm trong lĩnh vực ngân hàng, đầu tư, fintech…
Hiện nay, Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển trung tâm tài chính TP.HCM đã được thành lập với 30 thành viên, do Bí thư Nguyễn Văn Nên làm trưởng ban. Đồng thời, một tổ giúp việc do Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi làm tổ trưởng cũng được thành lập để chuẩn bị đề án trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5/2025. |