Dưới đây là những thông tin chú ý nhất trên thị trường tài chính toàn cầu trong tuần 7-11/8/2023:
1/ Lãi suất của Mỹ sắp đạt ‘đỉnh’?
Dữ liệu kinh tế của Mỹ khả quan và chỉ số lạm phát tháng 6 là 3% – mức tăng hàng năm nhỏ nhất trong hơn hai năm có phải đang cho thấy nền kinh tế Mỹ đang hạ cánh mềm?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ quan điểm thận trọng, tiếp tục nhấn mạnh sự phụ thuộc vào dữ liệu – như chủ tịch Jerome Powell đã nói trong cuộc họp trước.
Điều đó làm cho báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cho tháng 7, sẽ công bố vào thứ Năm (10/8) trở nên đặc biệt quan trọng trong việc cho thấy liệu nền kinh tế có đang chứng kiến tình trạng giảm phát kéo dài hay không và liệu thị trường có đúng khi tin rằng lãi suất sắp đạt đỉnh hay không?
Nếu lạm phát tiếp tục giảm, cơ hội để Fed tạm dừng tăng lãi suất sẽ tăng lên. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ đã phục hồi tốt bất chấp lãi suất cao nhất trong khoảng hai thập kỷ làm dấy lên lo ngại rằng lạm phát có thể tiếp tục xu hướng tăng – và lãi suất khi đó sẽ phải tăng theo lạm phát.
2/ Thị trường loay hoay với vấn đề kích thích kinh tế ở Trung Quốc
Mọi người đều nhận thấy nền kinh tế Trung Quốc đang trì trệ và cần được hỗ trợ. Nhưng những gì Bắc Kinh đã làm cho đến nay chưa thỏa mãn được kỳ vọng của thị trường.
Các nhà phân tích cho biết các biện pháp và cam kết kích thích quá nhỏ hoặc quá mơ hồ, và kết quả thể hiện rõ ở cổ phiếu bất động sản. Chỉ số HSMPI ở Hồng Kông đã tăng tới 29% sau khi Bộ Chính trị Trung Quốc bắt đầu cuộc họp vào tháng 7, nhưng không lâu sau đã mất đi một nửa mức đó.
Morgan Stanley kết luận đợt phục hồi đầy của thị trường chứng khoán Trung Quốc là cơ hội hoàn hảo để bán ra, đồng thời hạ mức độ dự đoán về chứng khoán Trung Quốc xuống mức đi ngang.
Tuy nhiên, dữ liệu vĩ mô đã giúp thị trường bớt lo lắng với một số tin tốt hiếm hoi, khi một cuộc khảo sát cho thấy hoạt động dịch vụ ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng trong tháng Bảy. Câu hỏi đặt ra là thị trường chứng khoán Trung Quốc tuần tới sẽ diễn biến như thế nào, nhất là sau khi dữ liệu lạm phát được công bố (vào thứ Tư, 9/8)?
3/ Chu kỳ lãi suất ở các nền kinh tế mới nổi
Các thị trường mới nổi sắp có một số quyết định quan trọng về lãi suất, sẽ cung cấp thêm bằng chứng về chu kỳ chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế đang phát triển – sẽ thay đổi nhanh và mạnh mẽ như thế nào sau khi Brazil và Chile trở thành các ngân hàng trung ương lớn đầu tiên thực hiện cắt giảm lãi suất trong những ngày gần đây.
Trái ngược với chu kỳ thắt chặt của Fed, Mỹ Latinh đang là trung tâm của nỗ lực nới lỏng ở các nền kinh tế mới nổi.
Các nhà hoạch định chính sách của Mexico sẽ gặp nhau vào thứ Năm (10/8) và thị trường dự đoán họ sẽ giữ nguyên lãi suất hiện tại, trong khi Peru – họp cùng ngày – dự kiến sẽ cắt giảm trong năm nay, nhưng không phải vào tháng Tám.
Các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp vào ngày 10/8 và sẽ tiếp tục làm như vậy cho đến cuối tháng 3/2024.
3/ Kinh tế Anh thực sự đang ra sao?
Bất chấp các dự báo từ năm ngoái về nguy cơ trải qua một trong những cuộc suy thoái sâu sắc nhất trong ký ức gần đây, nền kinh tế Vương quốc Anh đã cho thấy những tín hiệu không quá bi quan. Tăng trưởng kinh tế tháng 5 giảm ít hơn dự kiến, sau khi gần như đình trệ trong hai tháng trước đó.
Kết quả đó có được một phần là do những người tiêu dùng ‘kiên cường’ nhờ khoản tiết kiệm tích lũy được trong thời gian đóng cửa do đại dịch, phần khác là lãi suất tăng phải mất một thời gian mới ảnh hưởng mạnh tới chi phí đi vay, đặc biệt là các khoản thế chấp.
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 15 năm là 5,25% trong tháng này.
Lạm phát giá tiêu dùng ở mức 7,9%, mặc dù hướng đi xuống nhưng vẫn gần gấp 4 lần mục tiêu của BoE. Điều đó có nghĩa là tăng trưởng tiền lương, mặc dù ở mức cao nhất được ghi nhận, trên thực tế đang ở mức âm. Số liệu GDP trong quý II, công bố vào ngày 11/8 có thể cho thấy rõ ràng hơn thực trạng tăng trưởng kinh tế của Vương quốc Anh.
5/ Thu nhập của ngành bảo hiểm sẽ ra sao?
Mùa bão ở Đại Tây Dương đang diễn ra và cũng là mùa báo cáo của một số công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới – đang phải đối mặt với việc thanh toán thiệt hại do bão.
Munich Re, công ty tái bảo hiểm lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ công bố lợi nhuận ròng tăng 60% vào thứ Năm (10/8), bất chấp những cơn bão ở Texas, khi công ty này phục hồi sau những khoản lỗ lớn do chiến tranh và lạm phát gây ra vào năm ngoái.
Swiss Re, cũng đã bắt kịp xu hướng đó, dự kiến sẽ báo cáo lợi nhuận ròng tăng trong nửa đầu năm nay. Allianz, Zurich Insurance và Hannover Re đều chuẩn bị báo cáo kết quả thu nhập trong tuần tới.
Triển vọng thu nhập của các công ty bảo hiểm sẽ phụ thuộc vào các cơn bão và bất kỳ thảm họa nào khác trong tương lai – đang gia tăng cường độ khi trái đất ấm lên. Munich Re cho biết mùa bão năm 2023 rất khó dự đoán – nhiệt độ đại dương cao hơn làm tăng khả năng có nhiều bão hơn, nhưng các giai đoạn của hiện tượng khí hậu El Nino có xu hướng ngăn chặn hoạt động của bão.
Tham khảo: Eikon Reuters