Theo tờ The Guardian, hãng tin quốc gia Trung Quốc Xinhua đã từng phát đi một đoạn video ngắn nhắc nhở những người sinh năm 2000 trở đi nên mau chóng lập gia đình.
“Những người sinh năm 2000 đã đến tuổi hợp pháp để kết hôn rồi đấy”, đoạn clip nêu rõ.
Ngay lập tức, chủ đề lập gia đình nhanh chóng trở thành chủ đề nóng được tìm kiếm khắp mạng xã hội Trung Quốc. Thế nhưng thay vì đem lại hiệu quả tích cực, chúng lại tạo nên cuộc tranh cãi gay gắt trong giới trẻ.
“Ai dám kết hôn vào thời điểm này cơ chứ? Chẳng lẽ chúng tôi không cần kiếm tiền sao?”, một người dùng mạng xã hội Trung Quốc nói.
“Đừng có hối thúc chúng tôi nữa”, một người dùng khác than phiền.
Luật pháp của Trung Quốc hiện nay cho phép đàn ông từ 22 tuổi trở lên, phụ nữ là 20 trở lên có thể kết hôn.
Tuy nhiên bất chấp tình cảnh dân số đất nước đang lão hóa nhanh chóng, giới trẻ Trung Quốc ngày nay không chịu kết hôn như lời kêu gọi.
Tỷ lệ giữa người trẻ và người già được dự báo sẽ ngày càng trở nên mất cân bằng khi số ca tử vong năm 2022 đã lần đầu tiên vượt số ca sinh kể từ năm 1961.
Tháng 1/2023, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã xác nhận dự báo của các học giả và các nhà kinh tế rằng dân số của Trung Quốc đã giảm xuống trong năm 2022, cụ thể giảm 850.000 người xuống còn 1,412 tỷ người.
Lần cuối cùng dân số nước này giảm so với năm trước đó là vào năm 1961 khi nước này trải qua nạn đói. Nhưng đó là sự suy giảm dân số tạm thời trong ngắn hạn.
Còn hiện tại, sự suy giảm được dự báo sẽ kéo dài, khó có thể đảo ngược và là hệ quả của “chính sách một con” để kìm hãm đà sinh suốt hơn 3 thập kỷ.
Tỷ lệ sinh của nước này đã giảm xuống dưới 1,1 trong năm 2022, trong khi tỷ lệ cần thiết để duy trì dân số là 2,1.
Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải dự báo dân số Trung Quốc có thể giảm xuống chỉ còn 587 triệu người vào năm 2100, chưa bằng một nửa so với hiện nay. Điều này đồng nghĩa cứ 100 người trong độ tuổi lao động ở nước này thì sẽ có 120 người già cần hỗ trợ.
Độc thân là xu thế
Tờ The Guardian nhận định ngày càng nhiều bạn trẻ tại Đông Á kết hôn muộn khi tiêu chuẩn cuộc sống lên cao. Độc thân hiện nay trở thành một xu thế khi họ được sống thoải mái trong bối cảnh không có gánh nặng gia đình vào thời buổi kinh tế khó khăn.
Tuy nhiên theo giáo sư Wang Feng của trường đại học California, xu thế độc thân này đang lan rất mạnh ở Trung Quốc, nhất là khu vực thành thị.
Nếu so sánh số liệu thống kê giữa năm 1990 với 2015, tỷ lệ phụ nữ ngoài 20 tuổi không chịu kết hôn đã tăng lên 8 lần chỉ trong 25 năm.
Trong khi đó, số liệu thống kê từ năm 2000-2010 cho thấy những phụ nữ trẻ từ 25-29 tuổi ở Trung Quốc nếu tốt nghiệp đại học thì hầu như còn độc thân.
Tại hàng loạt các thành phố lớn, tư tưởng độc thân sung sướng lan tràn mạnh mẽ trong giới trẻ.
Cô Vicky Liu sống tại Thiên Tân sinh năm 1997, dù không còn trẻ trong mắt bậc phụ huynh nhưng cô lại chẳng chịu lấy chồng.
Sau khi tốt nghiệp bằng thạc sĩ tại Anh, gia đình cô đã bắt đầu sắp xếp những cuộc xem mắt bí mật dù Liu chẳng hề muốn.
“Tôi là một người phụ nữ trưởng thành. Tôi muốn xây dựng sự nghiệp cũng như vui chơi với bạn bè, mở rộng quan hệ xã hội. Tôi chưa muốn bị ràng buộc vào gia đình quá sớm”, cô Liu cho biết.
Sự sốt ruột của các bậc phụ huynh đã lan mạnh sang cả chính phủ khi tỷ lệ sinh giảm sẽ ảnh hưởng xấu đến lực lượng lao động, thị trường tiêu dùng cùng hàng loạt hệ lụy khác.
Năm 2015, chính quyền Bắc Kinh đã loại bỏ chính sách 1 con tồn tại hàng chục năm để kích thích sinh đẻ. Năm 2021, họ tiếp tục đưa ra chính sách khuyến khích đẻ 3 con.
Thậm chí nhiều chuyên gia kinh tế như ông Ren Zeping còn đề nghị chính phủ nên tăng trợ cấp để thúc đẩy dân số, tuy nhiên những bình luận này của chuyên gia Ren đã bị gỡ bỏ khỏi mạng xã hội.
Không phải muốn là đẻ được
Theo tiến sĩ Ye Liu của trường đại học Kings College London, chính phủ Trung Quốc hiện nay đang mất sự kết nối với giới trẻ.
“Những gì giới trẻ Trung Quốc muốn hiện nay là một cơ hội lập nghiệp, cơ hội để đảm bảo được cả hạnh phúc gia đình lẫn sự nghiệp, công danh. Nếu không làm được điều này thì rất khó để khiến họ sinh thêm con”, tiến sĩ Liu nhấn mạnh.
Điều trớ trêu là Trung Quốc đã cố gắng thúc đẩy sự bình đẳng giới trong nhiều năm bằng cách gia tăng tỷ lệ nữ giới tốt nghiệp đại học.
Thế nhưng phụ nữ càng có tri thức thì càng hiểu rằng họ không cần phải hy sinh tuổi trẻ, sự nghiệp hay trách nhiệm với gia đình chỉ để kết hôn và sinh con.
“Chính phủ sẽ chẳng thể dễ dàng đạt được mục tiêu nếu chỉ ban hành các sắc lệnh hành chính. Họ cần có động thái thực tế như tạo thêm công ăn việc làm cho giới trẻ, giảm giá sinh hoạt, nhất là giá nhà. Chính phủ cần giúp giới trẻ dễ dàng nuôi con cái và gia đình hơn rồi mới có thể hối thúc họ cưới được”, chuyên gia Yi Fuxian của trường đại học Winconsin Madison nói.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lên đến 20% càng khiến chuyện kết hôn, sinh con trở nên xa với với nhiều người Trung Quốc.
Thậm chí các phong trào nằm thẳng, ở nhà ăn bám bố mẹ, từ bỏ giấc mơ sự nghiệp càng khiến mục tiêu gia tăng dân số của Trung Quốc gặp khó khăn nhiều hơn nữa.
“Suy nghĩ của cha mẹ tôi là chẳng mấy chốc mà tôi sẽ kiếm được một người chồng ưng ý. Đối với họ, tôi phải kết hôn, sinh con rồi làm mẹ sớm nhất có thể. Các bậc phụ huynh Trung Quốc đơn giản là không chấp nhận con gái của họ độc thân quá lâu được”, cô Liu thừa nhận.
*Nguồn: The Guardian