Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc, bà Georgieva cho biết mức tăng trưởng bổ sung này sẽ tương đương với việc quy mô nền kinh tế thực tăng thêm 20% trong 15 năm tới, tức tăng thêm 3.500 tỷ USD”. Do đó, bà kêu gọi nước này nên có các động thái nhằm cải thiện tính bền vững của lĩnh vực bất động sản, giảm rủi ro nợ và tập trung hơn vào tiêu dùng trong nước.
Người đứng đầu IMF cho biết, các biện pháp quyết đoán nhằm giảm lượng nhà ở chưa hoàn thiện và tạo thêm không gian cho những điều chỉnh theo hướng thị trường trong lĩnh vực bất động sản có thể đẩy nhanh giải quyết các vấn đề hiện tại của lĩnh vực này, đồng thời và thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư.
Trước đó vào ngày 22/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) cho biết nước này sẽ tối ưu hóa hơn nữa chính sách đối với thị trường bất động sản. Đầu tháng Ba, ông đã công bố mục tiêu tăng trưởng hàng năm khoảng 5% trong năm nay, một mục tiêu mà nhiều nhà phân tích cho là đầy tham vọng.
Bà Georgieva cho biết Trung Quốc cũng cần dựa nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa bằng cách tăng thu nhập, tăng khả năng chi tiêu của các gia đình và mở rộng hệ thống an sinh xã hội, bao gồm cả hệ thống lương hưu theo cách “có trách nhiệm về mặt tài chính”.
Theo bà Georgieva, Chính phủ Trung Quốc nên thiết lập một khung pháp lý mạnh mẽ về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Bà đồng thời lưu ý rằng Trung Quốc đang dẫn đầu các nền kinh tế mới nổi về khả năng sẵn sàng cho AI.
Bộ Công nghiệp Trung Quốc hồi tháng 1/2024 đã ban hành dự thảo hướng dẫn tiêu chuẩn hóa ngành AI, với mục tiêu áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia và toàn ngành vào năm 2026.
Tổng Giám đốc IMF cho biết Trung Quốc có tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy nền kinh tế xanh. Bà cũng khuyến nghị Trung Quốc mở rộng hệ thống giao dịch phát thải (ETS) sang bao gồm cả lĩnh vực công nghiệp. ETS, hiện bao chỉ gồm lĩnh vực điện, dự kiến sẽ được áp dụng cho các lĩnh vực mới như xi măng và nhôm vào cuối năm 2025.