(TBTCO) – Trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng trả nợ của Chính phủ khoảng 251.091 tỷ đồng, trong đó trả nợ của ngân sách trung ương khoảng 238.799 tỷ đồng, trả nợ cho vay lại khoảng 12.292 tỷ đồng. Công tác trả nợ của Chính phủ được thực hiện kịp thời, đầy đủ, theo cam kết và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cho vay lại vốn vay nước ngoài tiếp tục được thực hiện chặt chẽ
Báo cáo tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2025, diễn ra ngày 11/7/2025, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và kinh tế đối ngoại Hoàng Hải cho biết, đơn vị đã đảm bảo công tác tham mưu xây dựng chính sách, chế độ có chất lượng. Trong 6 tháng đầu năm năm 2025, đơn vị đã chủ động báo cáo Bộ Tài chính triển khai số lượng rất lớn về chính sách pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến quản lý nợ công, quản lý sử dụng nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi, viện trợ, hội nhập quốc tế, đối ngoại, với 14 nhiệm vụ, trong đó có 1 luật, 7 nghị định, 2 thông tư, 1 kế hoạch triển khai và 2 quy chế của Bộ Tài chính; 1 quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
![]() |
Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại Nguyễn Quốc Phương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh |
Cục Quản lý nợ và kinh tế đối ngoại đã báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính trình Chính phủ phê duyệt Hạn mức cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ năm 2025 tại Nghị quyết số 181/NQ-CP ngày 19/6/2025; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2025 và Chương trình quản lý nợ công 3 năm 2025-2027. Cục đang tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2025 và Chương trình quản lý nợ công 3 năm 2025-2027.
Cục cũng đã triển khai nhiều nội dung công việc liên quan tới việc xây dựng Đề án vay, trả nợ công 5 năm 2026-2030; xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030…
Thông tin về công tác huy động nguồn vốn, Phó Cục trưởng Hoàng Hài cho biết, 6 tháng đầu năm 2025, rút vốn vay trong nước và nước ngoài khoảng 211.996 tỷ đồng (trong đó vay cho ngân sách trung ương khoảng 207.583 tỷ đồng, vay về cho vay lại khoảng 4.413 tỷ đồng). Lũy kế từ đầu năm 2025 đến nay, tổng khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ là 201.390 tỷ đồng.
Cục Quản lý nợ và Kinh tế đối ngoại đã rà soát các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi do các địa phương làm cơ quan chủ quản để chủ động thực hiện các thủ tục điều chỉnh cần thiết (hiệp định vay, hợp đồng cho vay lại, giới thiệu mẫu chữ ký….) để đảm bảo các dự án triển khai liên tục, không bị gián đoạn khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. |
Từ đầu năm đến hết tháng 6/2025, Chính phủ đã thực hiện ký kết 5 thỏa thuận vay nước ngoài cho các dự án với tổng giá trị ký kết khoảng 449,1 triệu USD, tương đương khoảng 11.208 tỷ đồng, tăng khoảng 140% so với cùng kỳ năm 2024. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ký 2 Hiệp định khung trị giá 455 triệu EUR (Hiệp định khung với Tây Ban Nha trị giá 305 triệu EUR và Hiệp định khung với Áo trị giá 150 triệu EUR).
Cũng theo Phó Cục trưởng Hoàng Hải, công tác cho vay lại vốn vay nước ngoài tiếp tục được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, góp phần quan trọng trong việc bổ sung nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư quan trọng của đất nước trong các lĩnh vực ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, tổng trả nợ của Chính phủ khoảng 251.091 tỷ đồng, trong đó trả nợ của ngân sách trung ương khoảng 238.799 tỷ đồng (đạt khoảng 51% dự toán được Quốc hội phê duyệt), trả nợ cho vay lại khoảng 12.292 tỷ đồng. Công tác trả nợ của Chính phủ được thực hiện kịp thời, đầy đủ, theo cam kết và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tập trung hoàn thiện thể chế về quản lý nợ công
Theo Cục trưởng Cục Quản lý nợ và kinh tế đối ngoại Nguyễn Quốc Phương cho biết, năm 2025, Chính phủ đặt yêu cầu cấp thiết về huy động nguồn vốn lớn cho phát triển kinh tế, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia; nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế. Do vậy, đơn vị đã xác định rõ phương hướng chỉ đạo, điều hành 6 tháng cuối năm 2025, bao gồm:
Bám sát tình hình trong nước, quốc tế để nâng cao công tác tham mưu về quản lý huy động, sử dụng nguồn vốn nước ngoài, chính sách hội nhập trong giai đoạn mới.
![]() |
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Minh |
Tập trung hoàn thiện thể chế quản lý nợ công, thúc đẩy giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi gắn với yêu cầu cải thiện chất lượng đầu tư công và tạo dư địa tài khóa cho các nhiệm vụ phát triển ưu tiên.
Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý nợ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả giám sát và tăng cường thông tin tuyên tuyền về kinh tế, tài chính đối ngoại.
Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính, gắn với các mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến thực chất trong công tác quản lý vay nợ, viện trợ và kinh tế đối ngoại.
Trên cơ sở đó, Cục Quản lý nợ và Kinh tế đối ngoại tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến quản lý nợ công, vốn vay ODA và vay ưu đãi, hội nhập kinh tế quốc tế để trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2026-2030. Dự kiến hoàn thành và báo cáo Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ quốc hội tại kỳ họp 10 theo Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 10/2025).
Đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết các hiệp định vay nước ngoài, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Trong 6 tháng cuối năm 2025, Cục Quản lý nợ và kinh tế đối ngoại tiếp tục đôn đốc, thúc đẩy giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi theo kế hoạch vốn được giao, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai dự án; nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản dự án và địa phương đối với công tác giải ngân nguồn vốn vay. |
Tăng cường hợp tác đối ngoại, tổ chức các hoạt động xúc tiến, kết nối với các nhà tài trợ, tổ chức tài chính quốc tế để huy động nguồn lực hỗ trợ phát triển…
Trong thời gian tới, nhiệm vụ quản lý nợ công và kinh tế đối ngoại tuy đầy thử thách nhưng cũng chứa đựng cơ hội để đơn vị tiếp tục khẳng định vai trò và hoàn thành xuất sắc chức năng được giao, Cục trưởng Nguyễn Quốc Phương đề nghị toàn thể cán bộ, công chức Cục Quản lý nợ và kinh tế đối ngoại tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, đổi mới và sáng tạo, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2025.