Phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ở Nhật Bản, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Giờ là lúc để phía bên kia (đảng Cộng hòa) từ bỏ lập trường cực đoan của họ, bởi phần lớn những gì họ đã đề xuất đơn giản là không thể chấp nhận được”.
Tổng thống Biden cho biết ông sẽ trao đổi trực tiếp với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và bày tỏ hy vọng có thể “đạt được thỏa thuận” về vấn đề đau đầu này. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng chính quyền không thể đảm bảo tránh được kịch bản chính phủ vỡ nợ.
Tổng thống Biden cho biết thêm ông đang xem xét một điều khoản hiến pháp trong Tu chính án thứ 14, trong đó quy định “không được phép nghi ngờ tính hợp lệ đối với khoản nợ công của Mỹ”, và khả năng cho phép tổng thống quyền tự nâng mức trần nợ công.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết chính phủ có thể hết tiền và vỡ nợ với khoản nợ 31.000 tỷ USD vào ngày 1/6 tới nếu Quốc hội lưỡng viện, trong đó đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện, không cho phép nâng trần nợ công để chính phủ vay thêm.
Tổng thống Biden đã lên kế hoạch sau khi dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản sẽ đến Papua New Guinea và Australia, nhưng ông đã cắt ngắn chuyến đi châu Á để về Mỹ giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công.
Ngày 19/5, tiến trình đàm phán về trần nợ công của Chính phủ Mỹ đã rơi vào bế tắc sau khi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đổ lỗi cho Nhà Trắng không có động thái cắt giảm chi tiêu. Đảng Cộng hòa nói rằng không thể nâng mức trần nợ công nếu chính quyền không có các biện pháp mạnh tay để giảm thâm hụt ngân sách. Theo họ, các biện pháp này bao gồm cắt giảm chi tiêu cho an sinh xã hội và hạn chế diện tiếp cận với Medicaid, chương trình trợ cấp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Biden đã phản đối các biện pháp trên, thay vào đưa ra kế hoạch giảm một số chi tiêu và tăng thuế đối với những người giàu nhất cùng các tập đoàn hiện đang được hưởng các khoản giảm thuế lớn. Đảng Cộng hòa từ chối chấp nhận biện pháp tăng thuế này.