Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 20/6/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,53% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm trước tăng 3,30%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,26% (cùng kỳ năm trước tăng 3,97%); tăng trưởng tín dụng đạt 3,13% (cùng kỳ năm trước tăng 8,51%).
Tổng cục Thống kê cho biết tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng giảm mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng, ngoài ra một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Từ tháng 3/2023 đến tháng 6/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất với mức giảm từ 0,5% đến 2%/năm. Cụ thể: (1) Giảm 1,5%/năm lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu, giảm 2%/năm lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD; (2) Giảm 0,5-1,25%/năm lãi suất tối đa tiền gửi bằng đồng Việt Nam kỳ hạn dưới 6 tháng; (3) Giảm 1,5%/năm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Theo Tổng cục Thống kê, đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay có xu hướng giảm dần. Cụ thể, lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân đồng Việt Nam ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022). Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tỷ giá trung tâm được điều hành linh hoạt, phù hợp, đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát. Đến ngày 22/6/2023, tỷ giá trung tâm ở mức 23.732, tăng 0,51% so với thời điểm cuối năm 2022.