Một trong những lý do khiến nhiều người trúng xổ số và người thừa kế thất bại trong thời gian ngắn sau khi trở nên giàu có là vì họ bỏ qua việc học các kỹ năng quản lý, bảo vệ và phát triển số tiền đó. Lý do khác có thể kể đến là do đối với một số người, số tiền có được là nhờ “vận may” nên không phải hy sinh, cố gắng để tạo ra chúng.
Nhưng các triệu phú tự thân biết rằng việc xây dựng khối tài sản hàng triệu USD khó đến mức nào. Có thể nói, làm việc chăm chỉ để trở nên giàu có sẽ giúp hình thành kỷ luật tài chính. Điều này cũng phần nào khiến bạn có thói quen không mua những thứ lãng phí tiền nữa. Đó là cách bạn biến một tài sản nhỏ thành một tài sản lớn.
Triệu phú tự thân với lối sống “khác biệt”
Brian Crane là một triệu phú tự thân. Ông là người sáng lập, giám đốc điều hành của Spread Great Ideas và đầu tư nhiều vào các doanh nghiệp kỹ thuật số cùng thương mại điện tử.
Sự chăm chỉ của ông đã được đền đáp khi sở hữu khối tài sản lớn. Tuy nhiên, có lẽ bạn sẽ không thể biết được điều đó nếu nhìn vào lối sống của Crane.
Crane nói: “Tôi đã học được một bài học từ rất sớm trong hành trình khởi nghiệp của mình rằng việc phung phí mà không có sự cân đối chính xác có thể khiến một người ‘mất mát rất nhiều’. Khi tôi bán công ty đầu tiên của mình, tôi đã đưa ra một số quyết định đầu tư ngu ngốc khiến tôi gần như phá sản. Tôi may mắn vì đã nhận ra sớm”.
Dưới đây là những thứ ông nói mình sẽ không chi tiền vào để đảm bảo không lặp lại những sai lầm ban đầu:
Những món đồ hiệu đắt đỏ
Các ngôi sao điện ảnh, âm nhạc và thể thao nổi tiếng có xu hướng phung phí tài sản của mình vào những thứ hào nhoáng hay biểu tượng cho sự địa vị.
Crane không muốn liên quan gì đến chuyện đó cả. Ông chỉ muốn có một tài khoản ngân hàng thật lớn.
Ông cho rằng với rất nhiều tiền, bạn có thể bị dụ dỗ mua những thứ hào nhoáng nhất, thời thượng nhất như quần áo hay ô tô. Mọi người nên biết và hiểu tầm quan trọng của chất lượng và chi phí. Sự chi tiền vào những món đồ đắt tiền có thể khiến bản thân “trông giàu có” nhưng bạn có thể làm tốt hơn bằng cách bỏ số tiền tương tự vào những khoản đầu tư thích hợp.
Biệt thự khổng lồ
Biểu tượng địa vị hàng đầu thường được đo đạc bằng cách sở hữu một ngôi nhà sang trọng với phong cách trang trí cao cấp cùng công nghệ đắt tiền. Nhưng những ngôi nhà khổng lồ sẽ đi kèm với những hóa đơn khổng lồ – và chúng có thể rất khó bán khi những người mới có điều kiện nhận ra rằng chúng đang vượt quá khả năng chi trả của họ.
Crane cho biết: “Hầu hết các triệu phú đầu tư vào những ngôi nhà sang trọng chỉ để tìm cách bán chúng với giá cao hơn hoặc cho thuê lại và kiếm một số tiền phụ từ tài sản đó. Thực tế là không có ích gì khi vung tiền vào những ngôi nhà lớn nếu bạn không bao giờ sử dụng phòng ngủ hoặc phòng tắm thứ mười một. Những người thực sự trở nên giàu có không phải bằng cách phung phí mà bằng cách đầu tư vào những tài sản sinh lời có thể mang lại cho họ lợi nhuận theo thời gian một cách thuận lợi và bền vững”.
Lối sống và hoạt động giải trí quá xa hoa
Những người giàu “mới nổi” đều có chung thiên hướng về hai thứ – được cho là có thể “quảng cáo” cho sự giàu có của họ. Đầu tiên là đồ đạc – túi xách, quần áo và phụ kiện hàng hiệu cao cấp, xe hơi tốc độ cao, những ngôi nhà sang trọng,…
Thứ hai là cuộc sống “tốt đẹp”, xa hoa – bạn có thể xem ví dụ trên mạng xã hội của nhiều người có sức ảnh hưởng.
Crane cho biết: “Ăn uống bằng đồ dùng mạ vàng có thể trông đẹp mắt trên Instagram, nhưng việc vung tiền để duy trì việc đó có vẻ rất lãng phí. Những trò giải trí cao cấp, như đi nghỉ dưỡng tốn kém ở nước ngoài, ăn uống ở những nhà hàng sang trọng nhất hoặc vung tiền đi du lịch bằng máy bay riêng có thể trông ấn tượng trên các tạp chí, nhưng tôi nghĩ sẽ có nhiều người chọn kiểm tra xem mình bỏ tiền vào những gì”.
Ông kết luận: “Việc lãng phí tiền bạc vào những khoảnh khắc thoáng qua này là điều cần tránh”.
Tham khảo Yahoo Finance