Chưa đầy một tuần sau khi xung đột Ukraine xảy ra, một chiếc máy bay chở hàng Ilyushin Il-76 thuộc hãng hàng không Nga Volga-Dnepr đã bay qua Belarus và Ba Lan trước khi hạ cánh xuống Slovakia.
Chiếc máy bay bí ẩn cất cánh từ Nga đã khiến những người theo dõi chuyến bay bất ngờ vì chỉ một ngày trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã ra lệnh đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không và máy bay tư nhân của Nga.
Theo Deutsche Welle (DW-Đức), chiếc máy bay đã được miễn trừ cấm vận vì nó vận chuyển nhiên liệu hạt nhân quan trọng cho bốn lò phản ứng hạt nhân do Nga thiết kế ở Slovakia.
Khoảng một tháng sau, một chiếc máy bay cùng loại của Nga lại bay xa hơn sang Hungary để vận chuyển nhiên liệu hạt nhân. Giống như Slovakia, Hungary hoàn toàn phụ thuộc vào nhiên liệu hạt nhân từ Nga để cung cấp năng lượng cho các nhà máy điện hạt nhân.
Các chuyến bay này chính là một dấu hiệu khác của việc châu Âu phụ thuộc năng lượng của Nga trong hàng thập kỷ. Gần một nửa tổng lượng điện ở Slovakia và Hungary, hơn một phần ba ở Cộng hòa Séc và Bulgaria được sản xuất từ nhiên liệu hạt nhân của Nga.
Dù đang “cai” nhiên liệu hóa thạch của Nga thì EU vẫn phải vật lộn để từ bỏ thói quen sử dụng hạt nhân của Nga. Kết quả là hàng trăm triệu euro tiếp tục chảy vào kho bạc của Moscow.
“Một năm trước, tôi đã nói rằng khí đốt của Nga sẽ là thứ khó bỏ nhất đối với EU nhưng bây giờ có vẻ như hạt nhân của Nga mới là thứ khó bỏ nhất” , Niclas Poitiers, chuyên gia tổ chức tư vấn Bruegel, nói với DW.
“EU có rất nhiều yếu tố phụ thuộc. Vấn đề này rất kỹ thuật, rất phức tạp. Sau đó là các vấn đề về tiêu chuẩn và an toàn”.
Đòn bẩy Rosatom
Nga chiếm hơn 45% công suất làm giàu uranium của thế giới, cung cấp nhiên liệu nguyên tử cho các nhà máy điện hạt nhân ở một số quốc gia, bao gồm cả Mỹ.
Bất chấp các lệnh trừng phạt, Mỹ vẫn tiếp tục trả 1 tỷ USD mỗi năm để mua nhiên liệu từ Tập đoàn hạt nhân quốc gia Nga Rosatom.
Dữ liệu của Cơ quan Cung cấp Euratom cho thấy, gần 20% lượng uranium thô mà EU nhập khẩu đến từ Nga và 23% khác đến từ Kazakhstan, nơi Rosatom có ảnh hưởng. Nga cũng cung cấp khối lượng lớn các thanh nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân châu Âu.
Sonja Schmid, Giáo sư nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Virginia Tech cho biết: “Rosatom là một trong số ít công ty trên thế giới đã làm chủ được toàn bộ chu trình nhiên liệu hạt nhân, tức là làm giàu, sản xuất nhiên liệu và tái xử lý”.
Các nước Trung và Đông Âu đặc biệt phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga. Có tổng cộng 18 lò phản ứng hạt nhân do Nga thiết kế ở Slovakia, Bulgaria, Hungary, Cộng hòa Séc và Phần Lan hiện đang chạy hoàn toàn bằng nhiên liệu và dựa vào công nghệ của Nga.
Ngoài ra, Rosatom có mối quan hệ lâu dài với công ty điện lực EDF của Pháp khi hai bên đã ký “thỏa thuận hợp tác dài hạn” vào năm 2021 để tăng cường hơn nữa mối quan hệ.
Nhân tố Hungary
Nga đã xuất khẩu công nghệ và vật liệu hạt nhân trị giá hơn 1 tỷ USD trên toàn cầu từ tháng 3-12/2022, theo nghiên cứu của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI).
“Trên thực tế, giá trị xuất khẩu liên quan đến hạt nhân của Nga không chỉ không bị thu hẹp kể từ tháng 2/2022, mà dữ liệu còn cho thấy rằng giá trị này có thể đang mở rộng, khi một số khách hàng trung thành vẫn mong muốn hợp tác kinh doanh lĩnh vực hạt nhân với Nga” , RUSI cho biết.
Trong số những “khách hàng thân thiết” đó có Hungary. Báo cáo cho thấy, giá trị xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga sang Hungary từ tháng 3-12/2022 vượt xa so với bất kỳ giá trị nào trong ba năm trước đó. Vào tháng 8/2022, Budapest đã quyết định xúc tiến việc xây dựng thêm hai lò phản ứng hạt nhân của Nga.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Hungary một lần nữa đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ năng lượng hạt nhân khỏi gói trừng phạt thứ 11 của EU đối với Nga hồi tháng 6.
Chuyên gia Poitiers nói rằng, doanh thu từ xuất khẩu hạt nhân sang EU chỉ là một phần nhỏ trong số hàng chục tỷ đô la mà Moscow thu được bằng cách bán dầu và khí đốt cho khối này.
Thiếu các giải pháp thay thế cho ngành hạt nhân
Hiện nay, các nước EU, bao gồm Cộng hòa Séc, Bulgaria và Slovakia, đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn nhiên liệu hạt nhân của Nga.
Westinghouse, đối thủ từ Mỹ của Rosatom, vốn đang cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho các lò phản ứng do Nga thiết kế ở Ukraine, mong muốn sẽ thế chân nguồn cung hạt nhân Nga ở EU.
Vào tháng 5, Fennovoima của Phần Lan đã đơn phương chấm dứt hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân với Rosatom.
Các chuyên gia cho biết, mặc dù uranium từ Nga có thể được thay thế tương đối dễ dàng bằng nguồn cung cấp từ nơi khác nhưng việc tìm kiếm các giải pháp thay thế cho khả năng làm giàu nhiên liệu của Nga có thể mất nhiều năm.
“Đơn giản là không có đủ năng lực ở những nơi khác trên thế giới để cắt đứt và chấm dứt các mối quan hệ đó một cách nhanh chóng” , ông Schmid nói.
“Đó không phải là một công nghệ bí mật nhưng là một công nghệ đòi hỏi nhiều vốn đầu tư. Với những bất ổn xung quanh tương lai của ngành công nghiệp hạt nhân, đó là thứ mà ngành công nghiệp tư nhân khó vươn tới”.