Người đứng đầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bày tỏ hy vọng, bạo lực sẽ chấm dứt nhanh chóng.
Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cũng nhận định, xung đột Israel – Hamas leo thang có thể ảnh hưởng rất nhiều đến tăng trưởng toàn cầu vốn đang suy yếu. Theo đó, bạo lực tại Trung Đông có thể làm gia tăng các yếu tố kìm hãm tăng trưởng thương mại, từ lạm phát dai dẳng, tiền tệ thắt chặt, bất ổn thị trường bất động sản, xung đột địa chính trị, kinh tế trên toàn cầu và các tác động từ biến đổi khí hậu.
Xung đột giữa Israel và Hamas đặt ra một loạt rủi ro mới cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó có áp lực lạm phát cao hơn
Trước đó, tại cuộc họp chung của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Morocco hôm 11/10, nhà kinh tế Mỹ hàng đầu Mohamed El-Erian cho rằng: “Nếu xung đột mở rộng và kéo theo các bên khác tham gia, triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ còn suy yếu hơn, đối mặt áp lực lạm phát cao hơn. Thị trường sẽ rất khó đối phó với kịch bản đó”.
Có mặt tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh, xung đột giữa Israel và lực lượng vũ trang Hamas gây thêm rủi ro cho triển vọng kinh tế toàn cầu vốn đã ảm đạm.
Đồng quan điểm, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF Gita Gopinath nhận định với hãng tin Bloomberg, nếu xung đột tại Dải Gaza lan rộng hơn và khiến giá dầu tăng 10%, GDP toàn cầu có thể giảm 0,15 điểm phần trăm trong năm 2024. Riêng các quốc gia ở Trung Đông có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Chủ tịch WB Ajay Banga cũng cảnh báo, xung đột đặt ra thách thức đối với các ngân hàng trung ương đang cố tìm cách “hạ cánh mềm”, kịch bản lạm phát có thể được kiềm chế mà không gây ra suy thoái kinh tế.
Trong khi đó, ông Stuart Hoffman, cố vấn kinh tế cấp cao của Tập đoàn Dịch vụ tài chính PNC Financial Services (Mỹ), nhận định, xung đột giữa Israel và Hamas cũng là yếu tố gây bất ổn cho giá năng lượng tại Mỹ. Giá xăng dầu ở Mỹ tăng cao hơn trong tháng 8 và tháng 9, kéo theo giá sản phẩm và dịch vụ.