Một trong những nhiệm vụ mà kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới James Webb được giao phó là đi tìm các “dấu ấn sinh học” ở những thiên thể xa xôi, bao gồm những thế giới ở rất xa hệ Mặt Trời. Nhưng nó vừa có một phát hiện vô cùng bất ngờ.
Ngay trong Thái Dương hệ, James Webb đã tìm ra dấu hiệu của methane – một trong các dấu ấn sinh học tiềm năng – ở hai nơi tưởng chừng chết chóc nhất.
Chúng là Eris và Makemake, 2 hành tinh lùn thuộc nhóm vật thể Plutoid, tức có nhiều yếu tố tương đồng với Sao Diêm Vương.
Lang thang ở khu vực băng giá chết chóc bên ngoài quỹ đạo Sao Hải Vương, sự xuất hiện của methane ở những thiên thể này mang đến nhiều thắc mắc.
“Chúng tôi thấy một số dấu hiệu thú vị về thời kỳ nóng bức ở những nơi mát mẻ” – tờ Sci-News dẫn lời TS Christopher Glein từ Viện nghiên cứu Tây Nam (SwRI).
Ban đầu các tác giả cho rằng methane có thể tồn tại ở những nơi này là do chúng có sẵn trong vật liệu nguyên thủy hình thành nên các thiên thể, thừa hưởng từ tinh vân Mặt Trời.
Tuy nhiên các dữ liệu chi tiết từ James Webb mang đến một điều bất ngờ: Bằng chứng về các quá trình thủy nhiệt tạo ra khí methane từ bên trong hành tinh này.
Điều này thể hiện tỉ lệ của các đồng vị deuterium (hydro nặng -D ) và hydro thông thường (H) trong methane này.
Nếu tỉ lệ D/H cao, methane đó là vật liệu nguyên thủy với deuterium đã hình thành dồi dào trong Vụ nổ Big Bang.
Nhưng tỉ lệ D/H trên hai thiên thể này ở mức vừa phải, cho thấy đó là methane hình thành từ quá trình địa hóa.
Đó là một quá trình tương tự như Trái Đất, với lõi đá trải qua quá trình nung nóng bức xạ đáng kể, vẫn đủ ấm để sở hữu quá trình thủy nhiệt và tạo ra methane, đưa khí này tới bề mặt.
Chưa kể, tỉ lệ nồng độ một số đồng vị carbon cho thấy sự tái tạo bề mặt tương đối gần đây trên cả Eris và Makemake. Chúng không phải những khối đá “chết” như suy nghĩ trước đây.
Ở Trái Đất, hệ thống thủy nhiệt là “suối nguồn sự sống”. Chúng tồn tại dưới đáy đại dương, đem đến cho vùng nước sau hơi ấm và các thành phần hóa học cần thiết để sự sống phát sinh và nuôi dưỡng.
Có lý thuyết cho rằng hệ thống thủy nhiệt là nơi sự sống đã khởi đầu trên địa cầu.
Tạm thời khẳng định điều gì ở các thế giới quá xa xôi, trôi nổi trong vùng “ngoại ô” băng giá của hệ Mặt Trời như Eris và Makemake.
Thế nhưng các nhà khoa học kỳ vọng một số sứ mệnh tương lai của NASA sẽ tiếp cận gần hơn các thiên thể ở khu vực mà TS Glein cho rằng “sống động hơn chúng ta tưởng” này.