Đối đầu về chip
Hồi tháng 5, Micron Technologies, công ty sản xuất chip đến từ Idaho, đã chịu thiệt hại nặng trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo Business Insider, chính phủ Trung Quốc đã cấm các công ty nắm giữ những thông tin quan trọng mua chip của Micronvới lý do công ty này đã không đáp ứng được các tiêu chí trong một cuộc đánh giá an ninh mạng.
Micron cho biết thay đổi này có thể làm mất gần 1/8 doanh thu toàn cầu của họ. Tuy nhiên, vào tháng 6, công ty sản xuất chip thông báo rằng họ sẽ tăng đầu tư tại Trung Quốc – bằng cách bổ sung 600 triệu USD để mở rộng một nhà máy chip tại thành phố Tây An của Trung Quốc.
“Dự án đầu tư này thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Micron đối với hoạt động kinh doanh và các nhân viên của hãng tại Trung Quốc”, thông báo được đăng trên tài khoản mạng xã hội của công ty ở Trung Quốc, nói.
Các doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu đang ở trong tình cảnh rất khó khăn khi cố gắng duy trì sự cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngành công nghiệp bán dẫn đã trở thành điểm giao tranh công nghệ giữa Washington và Bắc Kinh, với việc áp đặt hạn chế và biện pháp trừng phạt mới từ cả hai phía.
Các quan chức Mỹ cho biết một số sản phẩm Mỹ đang truyền thông tin cho các chương trình quân sự và giám sát của Trung Quốc, qua đó chống lại lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Do đó, Mỹ đã áp đặt những hạn chế ngày càng khắt khe đối với loại chip và thiết bị sản xuất chip có thể được gửi tới Trung Quốc, và đang mở rộng các chính sách khuyến khích mới – bao gồm tài trợ tiền và giảm thuế – cho các nhà sản xuất chip quyết định tăng cường hoạt động mới tại Mỹ.
Tuy nhiên, việc xây dựng các nhà máy có thể mất nhiều năm và các mối quan hệ doanh nghiệp giữa hai quốc gia vẫn rất mạnh mẽ. Trung Quốc là một thị trường quan trọng với sản phẩm chip, vì đây là nơi có nhiều nhà máy sản xuất các sản phẩm cần đến chip như điện thoại thông minh, máy rửa bát, ô tô và máy tính, được xuất khẩu khắp thế giới và được người tiêu dùng Trung Quốc mua hàng.
Nhìn chung, Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 doanh số bán chip toàn cầu. Nhưng đối với một số nhà sản xuất chip, Trung Quốc chiếm 60% hoặc 70% doanh thu của họ. Ngay cả khi chip được sản xuất tại Mỹ, chúng thường được gửi đến Trung Quốc để lắp ráp và kiểm tra.
“Chúng ta không thể quyết định đột ngột và bất ngờ yêu cầu rút hết mọi thứ ra khỏi Trung Quốc,” Emily S. Weinstein, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh và Công nghệ Mới nổi của Đại học Georgetown, nhận định.
Sự phụ thuộc của ngành công nghiệp này vào Trung Quốc cho thấy cách mà mối quan hệ kinh tế mật thiết nhưng “mâu thuẫn nảy lửa” giữa Washington và Bắc Kinh đang đặt ra những thách thức đối với cả hai bên.
Những căng thẳng này được phản ánh trong thời gian Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen thăm Bắc Kinh ngày 6-9/7. Bà Yellen đã chỉ trích một số động thái của Trung Quốc nhưng đồng thời khẳng định rằng Mỹ không có ý định cắt đứt mối quan hệ với quốc gia này.
Cụ thể, bà Yellen chỉ trích các biện pháp trừng phạt mà Trung Quốc đã thực hiện gần đây đối với các công ty nước ngoài, bao gồm hạn chế xuất khẩu một số khoáng sản được sử dụng trong sản xuất chip, và gợi ý rằng những hành động như vậy là lý do tại sao chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cố gắng làm cho các nhà sản xuất Mỹ ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc. Tuy nhiên, bà cũng xác nhận mối quan hệ Mỹ-Trung là mối quan hệ chiến lược và quan trọng.
“Tôi đã làm rõ rằng Mỹ không muốn cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ giữa hai nền kinh tế”, bà Yellen nói trong cuộc trò chuyện với các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc.
“Chúng ta cần sự đa dạng, chứ không phải là tách rời. Một sự tách biệt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ làm lung lay nền kinh tế toàn cầu và thực sự là điều bất khả thi”.
Siết chặt quy định
Chính quyền ông Biden chuẩn bị đầu tư mạnh mẽ vào ngành sản xuất bán dẫn tại Mỹ để thu hút các nhà máy rời khỏi Trung Quốc. Vào cuối năm nay, Bộ Thương mại Mỹ dự kiến sẽ bắt đầu cung cấp quỹ để giúp các công ty xây dựng nhà máy chip tại Mỹ. Khoản tiền này sẽ đi kèm với những điều kiện: các công ty nhận hỗ trợ được yêu cầu không mở rộng các cơ sở sản xuất công nghệ cao tại Trung Quốc.
Chính quyền cũng đang xem xét các hạn chế khác về việc gửi chip tới Trung Quốc, như một phần của việc mở rộng và hoàn thiện các hạn chế toàn diện đã được ban hành vào tháng 10 năm ngoái.
Những biện pháp này có thể bao gồm giới hạn bán chip đời mới được sử dụng cho trí tuệ nhân tạo cho Trung Quốc, các hạn chế mới đối với việc các công ty Trung Quốc tiếp cận dịch vụ điện toán đám mây của Mỹ, và hạn chế đối với các khoản đầu tư vốn rủi ro của Mỹ vào lĩnh vực chip của Trung Quốc.
Chính quyền Mỹ cũng đang xem xét dừng cấp phép cho một số nhà sản xuất chip Mỹ vốn đang được bán sản phẩm cho Huawei – công ty viễn thông hàng đầu Trung Quốc.
Nhật Bản và Hà Lan, nơi có các công ty sản xuất thiết bị chế tạo chip hiện đại, cũng đã áp đặt những hạn chế mới đối với việc bán hàng cho Trung Quốc.
Trung Quốc đã ban hành những hạn chế riêng, bao gồm các quy định kiểm soát xuất khẩu mới đối với các khoáng sản được sử dụng trong sản xuất chip.
Trong bối cảnh các quy định chặt chẽ hơn và các chương trình khuyến khích đầu tư mới từ Mỹ và châu Âu, doanh nghiệp chip toàn cầu ngày càng tìm kiếm những vị trí bên ngoài Trung Quốc để rót các khoản đầu tư lớn tiếp theo. Tuy nhiên, các cơ sở này có thể mất nhiều năm để xây dựng, có nghĩa là bất kỳ thay đổi nào trong thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ diễn ra một cách chậm chạp.
John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Chip (SIA) có trụ sở tại Washington, D.C., đại diện cho ngành công nghiệp chip, cho biết trong một tuyên bố rằng việc gia tăng kiểm soát đang diễn ra có thể đe dọa đáng kể năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Mỹ.
“Trung Quốc là thị trường chip lớn nhất thế giới, và các công ty của chúng tôi đơn giản cần phải kinh doanh ở đó để tiếp tục phát triển, đổi mới và vượt qua các đối thủ toàn cầu”, ông nói. “Chúng tôi kêu gọi các giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia, tránh gây thiệt hại vô ý và lâu dài cho ngành công nghiệp chip, và ngăn chặn các vấn đề leo thang trong tương lai”.