(TBTCO) – Bộ Tài chính mới đây đã xây dựng hồ sơ Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) theo trình tự, thủ tục rút gọn và gửi lấy ý kiến các cơ quan liên quan trước khi trình cấp có thẩm quyền.
Phân cấp thu ngân sách không còn phù hợp
Theo Bộ Tài chính, qua hơn 8 năm thực hiện, Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 đã phát huy hiệu quả tích cực, quản lý thống nhất nền tài chính quốc gia, nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý và sử dụng NSNN, củng cố kỷ luật tài chính, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả ngân sách và tài sản của Nhà nước.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, những tác động khách quan làm thay đổi cơ cấu thu. Ngân sách trung ương (NSTW) vẫn giữ vai trò chủ đạo nhưng có xu hướng giảm, trong khi yêu cầu đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa tính chủ động của ngân sách địa phương (NSĐP). Công tác xây dựng, tổng hợp dự toán NSNN và phân bổ NSTW, chấp hành, quyết toán NSNN cũng đã phát sinh một số điểm hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.
![]() |
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ NSTW năm 2025. Ảnh: Quochoi.vn |
Đồng thời, Quốc hội cũng đã ban hành các luật, nghị quyết để sửa đổi, quy định một số chính sách mới cho các đối tượng, ngành, lĩnh vực; quy định thí điểm cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù cho một số địa phương, cần nghiên cứu để luật hóa.
Cũng trong thời gian này, chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đang được thực hiện quyết liệt, hiệu quả, với yêu cầu đáp ứng các vấn đề thực tiễn và bối cảnh phát triển mới, tạo sự chủ động, linh hoạt hơn cho các cấp, ngành, địa phương trong điều hành, quản lý NSNN.
Từ thực tế triển khai thời gian qua, cơ quan soạn thảo cho biết phân cấp thu ngân sách không còn phù hợp với xu hướng, diễn biến các khoản thu ngân sách, làm giảm vai trò chủ đạo của NSTW, trong khi chưa thực sự khuyến khích tính tự chủ của các địa phương.
Phân cấp thẩm quyền ban hành chính sách thu cho địa phương còn hạn chế, HĐND cấp tỉnh chỉ được ban hành mức thu đối với một số khoản phí, lệ phí trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Do vậy, không khuyến khích các địa phương có điều kiện mở rộng cơ sở thu, điều chỉnh mức thu để điều tiết hợp lý các hoạt động kinh tế – xã hội trên địa bàn và tăng thu.
Về phân cấp quản lý nợ chính quyền địa phương, theo quy định hiện hành, Quốc hội quyết định các chỉ tiêu bội chi, tổng mức vay của NSĐP. Trong đó, chi tiết theo từng địa phương dẫn đến trong điều hành không điều chỉnh được giữa các địa phương. Một số trường hợp địa phương được phép vay bội chi nhưng không thực hiện, trong khi các địa phương khác có nhu cầu tăng mức vay, tăng bội chi trong hạn mức cho phép và có khả năng trả nợ lại không thực hiện được. |
Việc quản lý nguồn lực của Nhà nước cũng chưa tập trung. Một số nguồn thu của Nhà nước hiện nay chưa được phản ánh vào NSNN mà thực hiện thông qua các Quỹ tài chính ngoài ngân sách (như thu từ viễn thông công ích, phòng chống tác hại thuốc lá, bảo vệ môi trường rừng…). Việc quản lý các khoản viện trợ nước ngoài còn phân tán cho nhiều bộ, cơ quan chủ quản.
Hiện nay, Luật NSNN quy định trong thời kỳ ổn định ngân sách, ổn định tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa NSTW và NSĐP; số bổ sung cân đối trong thời gian 5 năm trùng với kỳ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hoặc theo quyết định của Quốc hội.
Sau mỗi thời kỳ ổn định, Luật yêu cầu các địa phương phải tăng mức tự chủ ngân sách. Tuy nhiên, cơ chế này chưa phù hợp và đã tạo ra sự co kéo, căng thẳng khi xác định dự toán thu, chi ngân sách của năm đầu thời kỳ ổn định, kể cả với các địa phương có điều tiết về NSTW (trong trường hợp tỷ lệ điều tiết bị giảm dần) và các địa phương nhận bổ sung cân đối từ NSTW (trong trường hợp số bổ sung cân đối không tăng hoặc giảm).
Hệ thống ngân sách lồng ghép, trùng lắp, không rõ trách nhiệm
Theo quy định của Hiến pháp, Luật NSNN quy định hệ thống NSNN là thống nhất, bao gồm NSTW và NSĐP; trong đó NSĐP bao gồm ngân sách của các cấp chính quyền địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã).
Với quy định như vậy thì hệ thống NSNN của Việt Nam mang tính lồng ghép, khác biệt so với hầu hết các nước trên thế giới. Hệ thống NSNN lồng ghép nên quy trình tổng hợp, xây dựng dự toán, quyết toán ngân sách phức tạp, trùng lắp, kéo dài.
Đồng thời, việc giải trình về thực hiện thu, chi NSNN trước các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội tập trung chủ yếu vào cơ quan tài chính, trong khi đó việc sử dụng ngân sách lại do các Bộ, cơ quan, UBND các cấp thực hiện dẫn đến không rõ trách nhiệm.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Do đó, mục tiêu của việc sửa đổi Luật là nhằm đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu giữa NSTW và NSĐP đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, thúc đẩy vai trò chủ đạo của NSTW, tính chủ động của NSĐP.
Cùng với đó, tiếp tục phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương; phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách gắn trực tiếp quyền và trách nhiệm của từng cấp và cấp nào thực hiện hiệu quả, kịp thời nhất thì giao cho cấp đó thực hiện.
Cơ chế phân bổ ngân sách cho các cơ quan, đơn vị được đổi mới theo hướng đảm bảo công khai, minh bạch; thực hiện phân cấp, phân quyền trong việc ban hành cơ chế, chính sách thu, chi NSNN; xóa bỏ cơ chế xin – cho, dễ dẫn đến phát sinh tiêu cực, thủ tục hành chính trong công tác quản lý, phân bổ NSNN.
Dự luật cũng nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và giám sát của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và người dân đối với NSNN; phân cấp thẩm quyền cho Chính phủ, UBND các cấp trong công tác điều hành NSNN đã được Quốc hội, HĐND thông qua./.
Sửa đổi phù hợp với việc sắp xếp bộ máyTrên cơ sở kế thừa, tiếp tục các quy định đã phát huy hiệu quả của Luật hiện hành, dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung các nội dung nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn, tháo gỡ căn bản khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; cắt giảm, đơn giản hóa trình tự, thủ tục; đồng bộ, thống nhất với quy định tại các Luật, Nghị quyết của Quốc hội mới được ban hành và bổ sung một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách thí điểm, đặc thù đã áp dụng cho một số địa phương để áp dụng cho cả nước. Đồng thời, sửa đổi để phù hợp với việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025. |