Ông Nguyễn Xuân Thành
Giảng viên Chính sách Công- Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright và Nhà nghiên cứu của Viện Rajawali về Châu Á tại Trường Harvard Kennedy
23 bài viết
Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định giảm 0,25%-0,5% một loạt các loại lãi suất điều hành kể từ ngày 19/6 – lần thứ 4 chỉ trong vòng có 3 tháng. Trong khi đó, nhiều ngân hàng trung ương khác như ECB vẫn tiếp tục lãi suất; hoặc như Mỹ, dù kỳ họp vừa qua ngân hàng trung ương nước này (FED) không tăng lãi suất, song vẫn đang để ngỏ khả năng lãi suất có thể nâng lên ít nhất 2 lần nữa từ nay đến cuối năm.
Sự tương phản này khiến cho không ít nhà đầu tư và giới kinh doanh lo ngại dư địa để chính sách tiền tệ mở rộng thêm của nhà điều hành là không nhiều.
Tại hội thảo “Đầu tư chứng khoán: Tìm ổn định trong bất định”, do công ty chứng khoán Mirae Asset tổ chức sáng 17/06, Ông Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên cao cấp, đại học Fulbright đánh giá, dù đã giảm lãi suất điều hành 4 lần, song vẫn có những doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm vẫn đang ở mức thấp. Đây là một hệ quả của việc thiếu hụt tiền trong nền kinh tế trong thời gian vừa qua.
Cụ thể, trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước phải đối mặt với áp lực lạm phát và tỷ giá nên đã thi hành các chính sách tiền tệ thắt chặt và bảo vệ động nội tệ như tăng lãi suất, bán ròng ngoại tệ. Trên thực tế, cơ quan này đã bán ròng 25 tỷ USD, đối ứng cho khoản này là 500.000 tỷ VND bị hút về. Mặt khác, ở kênh tài khóa, dù kế hoạch năm 2022 là ngân sách sẽ bội chi 4%, song thực tế lại thặng dư đến 2,5%. Điều này dẫn đến trong năm ngoái nền kinh tế bị thiếu vốn.
Tuy nhiên, đến hiện tại, đến tháng 5 lạm phát chỉ còn quanh 2,4%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 4% được Quốc hội đề ra hồi đầu năm. Mặt khác, sau 10 lần tăng lãi suất, FED đã tạm thời dừng lại. Ở chiều ngược lại, các nền kinh tế lớn khác như EU và Anh vẫn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Điều này sẽ khiến cho đồng Đô la yếu đi và áp lực tỷ giá đối với Việt Nam không còn quá lớn.
“Bên ngoài áp lực tỷ giá giảm, bên trong lạm phát cũng đã qua đỉnh. Động thái tiếp theo của các nhà điều hành là phải bơm thêm tiền ra và giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế” ông Thành nhận định.
Chuyên gia từ Fulbright nói thêm, trên thực tế từ đầu năm đến nay, cơ quan điều hành đã liên tục mua lại USD và bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Dự trữ ngoại hối đến tháng 5 đã được ít nhất 91 tỷ đô la Mỹ, dự kiến trong tương lai gần con số này sẽ quay về mức 100 tỷ USD. Mặt khác, vấn đề chưa chuẩn bị kịp dự án để giải ngân đầu tư công đã được giải quyết. Đến nay đã có gần 100% dự án được giao vốn.
Tại chương trình “Tiêu điểm chứng khoán cuối tuần: FED đang thật sự nói gì”, do Công ty Chứng khoán MB (MBS) tổ chức hôm 16/06, ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng MBS cho rằng áp lực lạm phát trong nước đã giảm xuống. Mặt khác, thị trường đang có nhiều tín hiệu cho thấy đỉnh lãi suất của FED đang ở rất gần, do đó áp lực tỷ giá không còn quá lớn. Động thái hạ lãi suất liên tiếp vừa qua của Ngân hàng Nhà nước là đi trước đón đầu. Thời gian tới, cơ quan này vẫn sẽ có những biện pháp hỗ trợ thêm cho nền kinh tế.
“Tôi nghĩ động thái tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước là giao room cụ thể cho các ngân hàng thương mại. Có thể sẽ giao hết room ngay giữa năm” ông Hoàng Công Tuấn nhận định.
Nhìn chung các chuyên gia đều đang cho rằng sau động thái giảm lãi suất điều hành, cơ quan điều hành sẽ nỗ lực thúc đẩy đưa thanh khoản vào nền kinh tế. Để từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phấn đấu giữ tăng trưởng GDP theo đúng kế hoạch tăng trưởng 6,5%/năm.