Rầy mốc bọc lá bầu, món ăn từ thuở hồng hoang đi mở đất
Đầu tháng hai âm lịch, một số nơi ở vùng đồng bằng Quảng Trị có thú vui được đi săn bắt rầy mốc, một loài rầy đặc biệt, sống ở các triền đất cát. Con rầy mốc sạch sẽ, được chiên hoặc nướng ăn rất thơm ngon. Tuổi thơ tôi thật may mắn khi có được nhiều lần đi săn rầy mốc cùng bạn bè, anh em, chòm xóm. Đó còn hơn cả một ngày hội bởi săn rầy mốc thật đông vui, phấn khích và món quà trời đất tưởng thưởng thật ngon lành. Đi nhiều nơi, tôi chưa từng nghe vùng nào khác có loài rầy mốc.
Đi bắt rầy mốc.
|
Rầy mốc sống ở các triền đồi, cồn cát; có thân hình chỉ bằng ngón tay cái của người lớn và con rầy mốc lớn nhất cũng chỉ bằng ngón chân cái. Rầy mốc có cặp cánh cứng màu nâu vàng, có những chấm mốc trắng trên lưng, toàn bộ đôi cánh cứng có phủ một lớp phấn nhẹ. Phía trong còn có hai cánh mỏng. Rầy mốc thân ngắn, có đầu và bộ chân cứng nhưng thân mềm. Quanh năm người ta không biết rầy mốc ở đâu. Chỉ vào đầu tháng hai âm lịch thì rầy mốc mới xuất hiện, vào lúc chập choạng tối, bay từng đàn vù vù trên trời. Đây là lúc bắt đầu mùa săn rầy mốc.
Ở quê tôi, vùng Cồn Đôống, Mả Đỏ, những triền cát trồng dưa ven ruộng là nơi có nhiều rầy mốc. Cuối buổi chiều, người ta tụ tập thành từng nhóm để đi bắt rầy mốc. Dụng cụ bắt rầy mốc là lưới cũ, màn cũ hoặc cây vợt có cán dài, hay có người bẻ những cành dương tươi để đập rầy. Ngoài ra, còn có bao đựng rầy bắt được và con cúi bện từ rơm hay cây đuốc làm bằng tre lồ ô đốt cháy lên (sau này thì dùng đèn pin). Khi mặt trời khuất sau bóng núi, trời chạng vạng thì không gian đang yên ắng bỗng nổi lên những tiếng vù vù đập cánh của rầy mốc. Rầy bay khắp mọi nơi, bay tầm ngang thân người đến lên cao cả chục mét. Có lúc, hàng đàn rầy bay ù ù như tiếng cối xay lúa. Người đi bắt rầy mốc, cứ có vợt dùng vợt, có cành dương liễu thì dùng cành cây đập rầy loạn xạ. Rầy mốc rơi lụp đụp, người trong nhóm cứ việc nhặt cho vào bao. Hiệu quả nhất là các chiếc lưới, chiếc màn được giăng ra đón lỏng, rầy bay bị mắc vào vô số kể. Lúc này, rầy mốc đóng đèn nên cứ nhằm ánh sáng lao tới và trở thành mồi ngon. Đèn pin còn soi bắt rầy ở các lùm cây, bụi cỏ. Từ Cồn Đôống nhìn ra vùng Mả Đỏ, nhiều nhóm bắt rầy mốc đang reo vui, í ới gọi nhau, ánh đèn pin soi sáng như sao sa. Khoảng nửa giờ đồng hồ thì rầy mốc bay thưa thớt dần, rồi im hẳn. Rầy mốc tự nhiên biến mất đột ngột cũng như khi xuất hiện.
Việc săn rầy mốc chỉ diễn ra quãng tháng hai âm lịch. Sang cuối tháng ba, rầy mốc vẫn còn nhưng không ai đi săn và ăn rầy mốc nữa bởi lúc đó trong bụng rầy mốc có túi dịch chuyển sang màu đỏ, người ta gọi là “rầy máu”.
Rầy mốc bắt về được rửa sạch, bỏ đi phần chân, đầu, cánh và đuôi, chỉ để lại phần thân mềm. Tiếp đó, chiên rầy mốc trên dầu nóng, chiên đến lúc ngửi thấy mùi thơm thì rầy đã chín. Rầy mốc phải được ăn cùng lá bầu non. Hái lá bầu non, rửa sạch, để ráo nước rồi vặt nhỏ, khi rầy gần chín thì cho lá bầu vào, đảo sơ cho lá bầu thấm dầu là đươc. Không hiểu sao hai thứ này lại hòa quyện tuyệt hảo như vậy; nhất là đọt bầu non xào với rầy mốc thì càng tuyệt. Con rầy mốc chiên giòn thơm lừng hòa quyện với lá bầu non, gia vị với muối hạt giã cùng ớt tươi, tiêu xanh để ăn. Thịt rầy mốc béo ngậy, cộng thêm vị ngọt của lá bầu tươi hòa tan cùng vị cay của tiêu tươi, ớt mọi, làm món ăn ngon hấp dẫn, quyến luyến không muốn nuốt.
Tuy vậy, đối với tôi, món rầy mốc ngon nhất vẫn là món rầy mốc nướng mọi bọc lá bầu non. Thời còn đi chăn trâu, trước mỗi buổi đi săn bắt rầy chúng tôi đã chuẩn bị hái lá bầu non, rồi muối hạt, tiêu tươi, ớt mọi. Sau buổi săn, một đống lửa được đốt lên ở ven ruộng dưa và rồi từng con rầy mốc để nguyên con được nướng trên lửa than. Khi cánh và chân của rầy mốc cháy thì cũng là lúc rầy chín. Lột bỏ hết cánh rầy, chân rầy còn sót lại, vặt đầu, chỉ còn phần thân mềm thơm nức. Lấy lá bầu non quấn lấy thân rầy đã nướng chín rồi chấm với muối ớt và ăn với tiếng xuýt xoa khen ngon nức nở vang lên giữa đất trời lúc nhá nhem tối. Vị béo ngậy, ngọt bùi quyện vào nhau khoan khoái khó tả. Không chỉ mùi vị thơm lừng của rầy nướng mà ta như còn được ăn cả mùi của đất đai, ruộng đồng, làng mạc, hương quê. Các bậc cao niên làng An Bình nói rằng, việc săn bắt và thưởng thức rầy mốc đã có từ xa xưa, thuở các tiền khai canh mới lập làng. Ông cha ta, từ thuở theo Đoan Quận công Nguyễn Hoàng đi mở đất Đàng Trong chắc cũng đã từng thưởng thức ẩm thực như thế!
Nhà văn Nguyễn Linh Giang – Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh