Trong phiên bế mạc Kỳ họp 5, Quốc hội khoá XV thông qua thông qua Nghị quyết chung với 481/482 đại biểu có mặt tán thành.
Thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ
Nghị quyết nêu rõ, những tháng đầu năm 2023, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc; hoạt động của các thị trường, nhất là thị trường tài chính – tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều điểm nghẽn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, xử lý các vướng mắc về tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy còn chậm; công tác kiểm định xe cơ giới còn nhiều hạn chế.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cao nhất từ trước đến nay; việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng còn chậm.
“Tình trạng mất điện, cắt điện diễn ra ở nhiều nơi ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân”
, Quốc hội đánh giá.
Từ đó, Quốc hội đề nghị thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn; bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật; Tập trung giải quyết những dự án thua lỗ kéo dài, những ngân hàng, doanh nghiệp có vi phạm, không để phát sinh tổn thất tiếp theo.
Nghị quyết cũng nêu lên tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ dẫn đến sự trì trệ trong giải quyết công việc, gây bức xúc trong xã hội.
Tăng mức giảm trừ gia cảnh
Quốc hội yêu cầu Chính phủ theo dõi sát diễn biến, dự báo tình hình trong nước và thế giới, có giải pháp chính sách nhanh nhạy, phù hợp, giải pháp điều hành sát thực tiễn, cụ thể, khả thi. Đồng thời củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Một số yêu cầu cụ thể khác được nêu tại Nghị quyết như: nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân; linh hoạt trong điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu; đề xuất giải pháp chính sách phù hợp đối với cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, thuế các-bon.
Quốc hội cũng quyết định thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) quy định tại nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Quốc hội cũng chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 – 2023 của ngân hàng, tối đa là 17.100 tỷ đồng.
Với nghị quyết này, Quốc hội đề nghị tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm định xe cơ giới và việc bảo đảm các yêu cầu phòng cháy, chữa cháy; Khắc phục kịp thời, căn cơ tình trạng thiếu điện, bảo đảm an ninh năng lượng.
Quốc hội đề nghị tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm và giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế; nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, chữa bệnh.