Chiều 7/12, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024, trả lời báo chí về hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên quan đến mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN cho biết, con số chính thức tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm ngày 29/11/2024, toàn hệ thống đã đạt 11,9%. Đến hôm nay (7/12), tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt gần 12,5%.
Phó Thống đốc NHNN khẳng định: “Tốc độ tăng trưởng tín dụng khá tích cực so với cùng thời điểm năm 2023 (chỉ đạt 9%). Tổng dư nợ toàn nền kinh tế hiện là 15,3 triệu tỷ đồng, vốn huy động đạt hơn 14,8 triệu tỷ đồng, tốc độ gia tăng huy động vốn đạt 7,36%/năm. Tốc độ tăng dư nợ khá lớn so với tốc độ huy động vốn”.
Theo ông Tú, các dữ liệu trên chứng tỏ ngoài huy động vốn cho nền kinh tế của các ngân hàng thương mại, NHNN cũng phải điều chỉnh, hỗ trợ thanh khoản vốn cho các ngân hàng thương mại bằng các công cụ của mình.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú
Lý giải xu hướng tăng trưởng tín dụng năm nay cao hơn so với năm trước, ông Tú cho rằng, nền kinh tế có nhiều thuận lợi và đạt được nhiều kết quả, xuất khẩu tăng nhanh, doanh nghiệp đã đạt được tốc độ tăng trưởng ổn định so các năm trước. “Đây là điều đáng mừng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Theo ông Tú, nguyên nhân chủ quan là sự phát triển chung của nền kinh tế, điều hành đồng bộ của Trung ương, địa phương, từ kinh tế vĩ mô và vi mô, từ chính sách tài khoán – tiền tệ kết hợp đồng bộ đã giúp doanh nghiêp mạnh dạn đầu tư, mạnh dạn vay vốn.
“Vai trò quyết định tăng trưởng vốn là các giải pháp của NHNN và việc điều hành của các bộ, ngành và địa phương. Ngay từ đầu chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, rất quyết tâm làm, dù cơn bão số 3 Yagi cũng ảnh hưởng một phần. Nếu không có cơn bão số 3, tăng trưởng tín dụng còn cao hơn”, ông Tú giải thích.
Theo ông Tú, điều hành của NHNN năm 2024 nhìn chung rõ nét, các hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại chủ động.
“Các ngân hàng thương mại hoàn toàn chủ động theo nhu cầu vốn của nền kinh tế và khả năng đáp ứng của mình cho doanh nghiệp. Ngân hàng nào hết hạn mức, đều chủ động gia hạn, tăng thêm không phải chờ NHNN như các năm trước đây”, Phó Thống đốc nói.
Theo ông Tú, nguồn vốn huy động đã hài hoà đầu vào và đầu ra về lãi suất, so với đầu năm lãi suất cho vay bình quân, khoản vay mới giảm 0,96%. Đây cũng là lý do giúp cho doanh nghiệp hạ chi phí đầu vào, tích cực vay vốn hơn, tháo gỡ khó khăn liên quan đến giãn, hoãn nợ do ảnh hưởng của bão Yagi, hoặc chính sách năm ngoái còn hiệu lực.
“Những chính sách này giúp cho ngân hàng thương mại đẩy vốn ra thị trường nhiều hơn, giúp đẩy mạnh tín dụng cho sản xuất cũng như tiêu dùng”, ông Tú nói.
So với đầu năm lãi suất cho vay bình quân, khoản vay mới giảm 0,96%
Liên quan đến tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy vốn vào lĩnh vực khác như bất động sản, chứng khoán, Phó Thống đốc khẳng định, dù lĩnh vực này đang chịu sự kiểm soát chặt để đảm bảo hạn chế rủi ro, nhưng thời gian tới cũng tạo điều kiện thúc đẩy để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản, chứng khoán phát triển chung.
Liên quan đến con số tăng trưởng tín dụng 15% mà NHNN đặt ra từ đầu năm có đạt được hay không, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, đây là chỉ tiêu hướng trong điều hành, không phải là chỉ tiêu pháp lệnh.
“Theo thông lệ, cuối năm là thời điểm giải ngân lớn, có thể sẽ đạt được chỉ tiêu này”, ông Tú nói thêm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!