Phí vận chuyển hàng online trong nước “đắt đỏ”
Hạ tầng logistics còn hạn chế, chi phí vận chuyển lớn cùng với sự thiếu liên kết, chia sẻ nguồn lực giữa các doanh nghiệp… làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành logistics lẫn thương mại điện tử Việt Nam.
Khách mua sắm trên các sàn thương mại điện tử đang phải trả nhiều phí vận chuyển hơn cho các đơn hàng trong nước so với đặt hàng trực tiếp từ Trung Quốc. Điều tưởng chừng là nghịch lý này đã tồn tại nhiều năm nay trong khi các đơn vị vận tải, chuyển phát Việt Nam vẫn chưa có giải pháp để lật ngược tình thế.
Lợi thế “free ship”
Chị Minh Nhiên – ngụ quận 8, TP HCM – vừa mua một số đồ dùng cho nhà bếp trên một sàn thương mại điện tử trong nước. Tổng giá trị sản phẩm chỉ 202.000 đồng nhưng chị phải trả tổng cộng 265.000 đồng vì 3 món hàng được giao từ 3 nhà cung cấp khác nhau, phí ship mỗi đơn hàng từ 14.000 – 25.000 đồng. Trước đó, chị đặt mua một món hàng từ Trung Quốc trên Shopee giá 380.000 đồng thì được miễn phí ship.
“Họ miễn phí ship cho đơn hàng từ 150.000 đồng trở lên và giao hàng rất nhanh. Trong khi đó, hầu hết các nhà bán hàng tại Việt Nam chỉ miễn phí giao hàng khi có chương trình khuyến mãi hoặc miễn phí cho đơn hàng trên 400.000 – 500.000 đồng, thời gian giao hàng thì… lúc nhanh lúc chậm” – chị Minh Nhiên cho hay.
Khách mua hàng online luôn thích được giao hàng nhanh, phí vận chuyển thấp .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
|
Anh Mạnh Hùng – ngụ Bình Chánh, TP HCM – cũng thường xuyên mua hàng điện tử, hàng gia dụng online của các shop ở Trung Quốc. “Mua hàng từ Trung Quốc trên Lazada thường giao tận nhà rất nhanh, miễn phí vận chuyển hoặc phí chỉ 14.000 – 20.000 đồng.
Cũng những mặt hàng này, nếu mua trong nước thì phí vận chuyển lên đến 22.800 – 45.000 đồng hoặc cao hơn. Chi phí chênh lệch rõ rệt như vậy thì chắc chắn người mua sẽ có sự lựa chọn tiết kiệm nhất” – anh Hùng phân tích.
Hiện nay, mua hàng online từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc về Việt Nam thông qua các kênh Lazada, Shopee, TikTok… rất dễ dàng. Hàng hóa đa dạng, giao hàng nhanh kèm theo phí ship rẻ đang là những điểm cộng khiến khách hàng, đặc biệt là giới trẻ, ưu tiên lựa chọn chốt đơn mua hàng từ Trung Quốc.
Loay hoay tìm giải pháp
Giải thích hiện tượng này, nhà sáng lập và vận hành một sàn thương mại điện tử quy mô nhỏ cho biết hiện nay nhiều trang thương mại điện tử trong nước đang liên kết trực tiếp với các cửa hàng thời trang, đồ gia dụng… ở nước ngoài. Hàng hóa từ nước ngoài vận chuyển về TP HCM hoặc Hà Nội với khối lượng lớn và không thông qua trung gian. Tùy thuộc theo địa chỉ của khách hàng, người bán ở nước ngoài có thể điều phối hàng hóa theo điểm đến gần nhất để giảm chi phí vận chuyển về mức tối thiểu. Số tiền vận chuyển được chia thành nhiều đơn lẻ với chi phí nhỏ.
Ngoài ra, do không qua khâu trung gian là nhà nhập khẩu tại Việt Nam nên hàng đến tay người mua với giá luôn thấp hơn giá bán của các đại lý phân phối, nhà kinh doanh Việt Nam.
Đồng quan điểm, anh Lê Thanh Dũng, nhà sáng lập sàn thương mại điện tử Mua Express, cho biết người Trung Quốc rất giỏi bán hàng. “Họ sản xuất lớn, bán sang Việt Nam số lượng đơn hàng lớn nên khi tính toán đủ lợi nhuận thì giảm phí vận chuyển hoặc miễn phí để thu hút khách.
Bên cạnh đó, họ còn có thuận lợi lớn do được chính phủ hỗ trợ tốt, logistics hiện đại và rất mạnh, tự động hóa gần như hoàn toàn và tổ chức bán hàng đa kênh, nhiều tổng kho ở gần biên giới Việt Nam… nên đường đi của hàng hóa sang Việt Nam rất nhanh, rất rẻ” – anh Dũng nói.
Theo các doanh nghiệp (DN) giao nhận, phí vận chuyển bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là chi phí logistics. Vận chuyển nội địa nước ta chủ yếu là đường bộ, hệ thống trạm thu phí dày đặc trải dài từ Bắc vào Nam hiện tại là một trong những lý do đẩy phí vận chuyển hàng hóa tăng.
Anh Phạm Văn Hoàng, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Fastship (sở hữu gần 200 bưu cục nhượng quyền trên cả nước), cho biết hiện nay, các DN logistics Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình chuyển hàng nhưng nguồn hàng còn phân tán, thiếu kho trữ hàng hoặc trung tâm phân loại. Do đó, thời gian giao hàng kéo dài, đẩy chi phí lên.
“DN logistics trong nước muốn tăng sức cạnh tranh, đẩy nhanh tiến độ giao hàng phải liên kết nhau theo hình thức “đi chung”, ghép hàng để tiết kiệm chi phí cho DN, vận chuyển nhanh hơn, từ đó kéo giảm chi phí cho khách hàng” – anh Hoàng nêu giải pháp.
Nhiều thách thức trong quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới Tại tọa đàm “Cải cách hải quan, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới” do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 11- 8 ở TP HCM, nhiều ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia lĩnh vực thương mại điện tử và logistics cho rằng quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới đang đối diện nhiều thách thức. Theo các chuyên gia, sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới ở nhiều khu vực và ngành nghề khác nhau trên thương mại điện tử đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý. Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản nhằm thống nhất hệ thống pháp luật cho thương mại điện tử. Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. “Cần phải đổi mới chính sách quản lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Hiện dự thảo đề án đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ ký ban hành” – ông Nguyễn Bắc Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), nói.
|
Phương An