Phát cáu với những cuộc gọi chào mời đầu tư chứng khoán
Theo phản ánh của nhiều người, họ thường xuyên phải nhận những cuộc gọi từ đầu số lạ mà đầu dây bên kia tự xưng là nhân viên của công ty chứng khoán MBS, SSI, VNDIRECT, VPS…
Những cuộc gọi này đều có cùng nội dung – mời gọi người dân tham gia vào các nhóm, đội mua bán cổ phiếu trên Zalo, Telegram. Tần suất gọi làm phiền ngày càng tăng khiến họ thực sự “phát cáu”.
Theo chị T.T.H (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM), các cuộc gọi từ số điện thoại lạ chị đều phải nghe vì đặc thù công việc. Thời gian đầu, chị bắt máy nghe và từ chối vì không có nhu cầu, song tần suất các cuộc gọi này vẫn không giảm bớt. Việc liên tục bị “dội” hàng chục cuộc gọi từ đầu số lạ tự xưng từ công ty chứng khoán khiến chị H bức xúc. Điều khó chịu hơn là khi chị hỏi địa chỉ, trụ sở chính của công ty ở đâu thì bên kia tắt máy.
Những cuộc gọi từ đầu số 028xx, 024xx… với tần suất dày đặc (Ảnh nhân vật cung cấp)
|
Nhiều người ở tình cảnh tương tự chia sẻ: dù họ có đầu tư chứng khoán nhưng chưa từng thấy mật độ cuộc gọi xưng công ty chứng khoán nào lại nhiều đến vậy.
Các công ty chứng khoán khác như SSI, MBS, VNDIRECT đều đã phát đi cảnh báo nhiều lần về hành vi mạo danh thương hiệu và khuyên nhà đầu tư cần cảnh giác. Theo đó, nhà đầu tư tuyệt đối không nên chuyển tiền tới các tài khoản tự xưng là nhân viên công ty, tổ chức chứng khoán; không ký hợp đồng đầu tư, vay khi chưa xác định thông tin; không cung cấp mã OTP, số tài khoản cho bất kỳ ai để tránh bị mất tiền oan.
Chứng khoán SSI khẳng định: Công ty không thực hiện các cuộc gọi tự động mang tính chất khảo sát hay tư vấn. Theo SSI, các đối tượng lừa đảo mạo danh Công ty nhằm tiếp cận, chiếm dụng lòng tin của nhà đầu tư để trục lợi. Cuộc gọi tự động thường xuất phát từ đầu số 028888xxxxx/ 029988xxx với nội dung như sau: “Chào anh chị. Chúng tôi là bộ phận khảo sát thị trường của CTCP Chứng khoán SSI. Nhằm mang lại lợi ích đầu tư, nếu anh chị đầu tư thua lỗ, mời bấm phím 1. Nếu anh chị đầu tư có lợi nhuận, mời bấm phím 2. Chúng tôi có các giải pháp hỗ trợ các nhà đầu tư hiệu quả mang lại lợi nhuận tốt nhất cho mình”.
Theo đó, nếu nhà đầu tư bấm phím 1 hoặc 2 thì cuộc gọi tự động sẽ kết nối với đối tượng lừa đảo. Đối tượng lừa đảo sẽ tư vấn, thuyết phục nhà đầu tư tham gia các hội nhóm về đầu tư và chuyển tiền đến tài khoản cá nhân.
Tương tự, Chứng khoán MB (MBS) cũng thông báo tới khách hàng các biện pháp để phòng tránh rủi ro từ các cuộc gọi lừa đảo qua các đầu số cố định 028888xxxxx/ 029999xxxxx/ 028899xxxxx / 029988xxxxx/… và các số điện thoại di động.
Theo đó, dấu hiệu nhận biết lừa đảo là đối tượng giả mạo nhân viên công ty chứng khoán liên kết với các quỹ đầu tư, đối tác nước ngoài và mời chào khách hàng tham gia các hội nhóm chia sẻ kiến thức về đầu tư tài chính, chứng khoán; sau đó nhận tư vấn các mã chứng khoán và giao dịch trên các ứng dụng/nền tảng giả mạo. Tuy nhiên, khi hỏi đến các thông tin về Công ty chứng khoán (địa chỉ Hội sở/Chi nhánh nơi làm việc, Ban lãnh đạo, Tên người quản lý cấp trên…) thì các đối tượng này đều ấp úng hoặc trả lời sai thông tin rồi cúp máy.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
|
Bên cạnh các chiêu trò như gọi điện mạo danh, tình trạng các đối tượng lợi dụng hoạt động đầu tư chứng khoán nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng nở rộ. Trong năm 2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước liên tục phát đi cảnh báo về việc mạo danh quỹ đầu tư lừa đảo. Không chỉ vậy, các cơ quan trọng yếu như Tổng Công ty Lưu ký Chứng khoán (VDSC), Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng bị mạo danh không thương tiếc.
Những thủ đoạn phổ biến khác của các đối tượng là mời nhà đầu tư mới vào các hội nhóm, chia sẻ tài liệu, chia sẻ một số mã chứng khoán. Trong hội nhóm sẽ có hàng loạt thành viên liên tục tung hô một cá nhân trong việc đầu tư, khoe lãi khi đầu tư… Qua đó, các đối tượng sẽ dụ dỗ nhà đầu tư “non trẻ” đưa tiền cho chúng đầu tư, khi đã lừa được nhiều người, chúng sẽ xóa nhóm, cắt liên lạc.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) từng cảnh báo các dấu hiệu lừa đảo tiền ảo và chứng khoán; dấu hiệu nhận diện chiêu trò lừa đảo đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền ảo.
Dấu hiệu đầu tiên là lời hứa quá cao. Sàn đầu tư lừa đảo thường hứa lợi nhuận vượt trội đến mức không thể tin được so với thị trường thực tế.
Thứ hai, các sàn lừa đảo sẽ không cung cấp thông tin minh bạch. Sàn không cung cấp đầy đủ thông tin về công ty, giấy phép hoạt động, lịch sử giao dịch và nhân sự quản lý.
Các sàn này cũng yêu cầu người tham gia chuyển khoản tiền trước khi bắt đầu giao dịch, thường là dưới hình thức phí đăng ký, phí tham gia hoặc tiền ký quỹ.
Đồng thời, sàn không có sự kiểm soát từ các cơ quan quản lý hoặc không được cấp phép hoạt động đúng quy định.
Để tránh sập bẫy, người dân nên cẩn trọng khi người khác đề nghị hoặc giới thiệu các hoạt động đầu tư mà bạn không biết gì về nó. Nếu có nghi ngờ, không chắc chắn về một sàn giao dịch hoặc công ty, hãy tìm sự tư vấn từ chuyên gia tài chính hoặc luật sư để đảm bảo rằng bạn đưa ra quyết định thông minh và an toàn.
Chí Kiên