Nikkei Asian cho biết, Trung Quốc hiện đang đứng đầu về thủy điện của thế giới với số lượng đập đang được hoạt động nhiều hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại. Hiện nay, nước này đang xây dựng siêu đập đầu tiên trên thế giới, gần biên giới với Ấn Độ.
Siêu dự án với công suất gấp 3 lần đập Tam Hiệp
Theo các phương tiện truyền thông, con đập mới được xây dựng gần đường kiểm soát thực tế (LAC) ở Tây Tạng, gần phần hạ lưu sông Brahmaputra của Ấn Độ mà Trung Quốc gọi là Yarlung Tsangpo.
Brahmaputra – một trong những con sông dài nhất thế giới được bắt nguồn từ Tây Tạng và kết thúc ở Vịnh Bengal. Yarlung Tsangpo là phần trên của sông Brahmaputra, nơi dự án đầy tham vọng của Trung Quốc được xây dựng.
Siêu dự án này – với công suất dự kiến là 60 gigawatt, sẽ tạo ra lượng điện gấp 3 lần so với đập Tam Hiệp – hiện là đập thủy điện lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc đã đưa ra một vài thông tin cập nhật về tình trạng của dự án kể từ khi Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của nước này phê duyệt vào tháng 3 năm 2021.
Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) dẫn lời ông Yan Zhiyong, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Điện Trung Quốc Power China cho biết trong một hội nghị kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Hiệp hội Kỹ thuật Thủy điện Trung Quốc: “Chưa từng có dự án nào giống như vậy trong lịch sử… đó sẽ là cơ hội cho ngành thủy điện Trung Quốc.”
Theo báo cáo, dòng chảy chính của sông Yarlung Tsangpo có nguồn nước phong phú nhất ở Khu tự trị Tây Tạng, Tây Nam Trung Quốc, tạo ra công suất điện khoảng 80 triệu kilowatt giờ (kWh), trong khi đoạn dài 50 km của Yarlung Tsangpo Grand Canyon có thể tạo ra công suất 70 triệu kWh tương đương với công suất của 3 đập thủy điện Tam Hiệp.
Ông Yan nói rằng việc khai thác thủy điện ở hạ lưu sông Yarlung Tsangpo không chỉ là một dự án thủy điện. Nó cũng có ý nghĩa đối với môi trường, an ninh quốc gia, mức sống, năng lượng và hợp tác quốc tế.
Cũng theo ông Yan, việc khai thác thủy điện 60 triệu kWh ở hạ lưu sông Yarlung Tsangpo có thể cung cấp 300 tỷ kWh điện sạch, tái tạo và không carbon hàng năm. Dự án sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu của Trung Quốc là đạt mức phát thải carbon cao nhất trước năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060.
Thời báo Hoàn cầu cho biết, đập Yarlung Tsangpo sẽ được xây dựng ở Quận Medog, nơi có dân số khoảng 14.000 người.
Địa hình nguy hiểm nhất thế giới
Siêu đập nằm ở địa hình nguy hiểm bậc nhất thế giới, trong một khu vực từ lâu đã được cho là không thể vượt qua.
Tại đây, sông Brahmaputra, được người Tây Tạng gọi là Yarlung Tsangpo, hạ mực nước xuống gần 3.000 mét khi rẽ ngoặt về phía nam từ dãy Himalaya vào Ấn Độ. Con sông lớn có độ cao lớn nhất thế giới đi xuống hẻm núi dài và dốc nhất thế giới.
Sâu gấp đôi hẻm núi Grand Canyon của Mỹ, hẻm núi Brahmaputra nắm giữ trữ lượng nước chưa được khai thác lớn nhất châu Á trong khi dòng chảy mạnh của dòng sông tạo ra khu vực được cho là nơi tập trung năng lượng thủy điện lớn nhất trên trái đất. Sự kết hợp này đã như một thỏi nam châm cực mạnh, thu hút các nhà xây dựng đập của Trung Quốc.
Tuy nhiên, con đập khổng lồ này được cho là dự án rủi ro nhất thế giới bởi nó được xây dựng trong khu vực hoạt động địa chấn. Nikkei nhận định, điều này khiến nó có thể trở thành quả bom nước trong tích tắc đối với các cộng đồng ở hạ lưu Ấn Độ và Bangladesh.
Phần đông nam của Cao nguyên Tây Tạng dễ xảy ra động đất bởi nó nằm trên đường đứt gãy địa chất, nơi các mảng kiến tạo Ấn Độ và Á- Âu va vào nhau. Trận động đất ở Tứ Xuyên năm 2008, dọc theo vành đai phía đông của Cao nguyên Tây Tạng, đã khiến 87.000 người thiệt mạng và thu hút sự chú ý của quốc tế về hiện tượng địa chấn do hồ chứa gây ra.
Sông Brahmaputra là một trong những con sông không có đập cuối cùng trên thế giới cho đến khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng một loạt các đập cỡ trung trên các đoạn thượng nguồn.