Ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông cáo về việc điều chỉnh giảm 0,5 điểm % một loạt lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng xuống 5%/năm, áp dụng từ ngày 25/5.
Đây là lần thứ 3 liên tiếp NHNN điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành trong hơn 2 tháng qua. Trước đó, vào giữa tháng 3 và đầu tháng 4/2023, cơ quan này cũng đã điều chỉnh một số loại lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Nhóm phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, động cơ chính đằng sau là tăng trưởng kinh tế vẫn còn đang rất yếu.
Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 1,8% so với cùng kỳ, xuất khẩu giảm 13,0%, bán lẻ hàng hoá và dịch vụ (loại trừ yếu tố giá) tăng 8,3%. Riêng tháng 4/2023, sản xuất công nghiệp chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ, xuất khẩu giảm 16,2%, doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 11,5% (thấp hơn mức tăng của tháng 3, riêng bán lẻ hàng hoá chỉ tăng 9,7%). Rủi ro suy giảm sản xuất và xuất khẩu tiếp diễn khi PMI tháng 4/2023 giảm chỉ còn 46,7 điểm.
Ngoài ra, VDSC cũng nhìn nhận thấy một số điểm thuận lợi cho quyết định của NHNN khi lạm phát trong nước tiếp tục xu hướng giảm, tỷ giá vẫn tương đối ổn định và chu kỳ tăng lãi suất của Fed gần như đã kết thúc.
Theo VDSC, quyết định của NHNN được đặt trong bối cảnh có một số điểm thuận lợi khi lạm phát trong nước tiếp tục xu hướng giảm, tỷ giá vẫn tương đối ổn định và chu kỳ tăng lãi suất của Fed gần như đã kết thúc.
VDSC đánh giá, tác động tích cực của đợt giảm lãi suất điều hành lần này là do mặt bằng lãi suất huy động với kỳ hạn 3 tháng của các ngân hàng quốc doanh và tư nhân hiện đang cao hơn trần lãi suất nên lãi suất huy động có thể giảm thêm 0,2 – 0,5 điểm %.
Mặt khác, vì động lực tăng trưởng tín dụng vẫn còn thấp, rủi ro nợ xấu đang gia tăng nên cơ chế truyền dẫn chính sách giảm lãi suất điều hành là không mạnh và mất thời gian mới có thể nhìn thấy kết quả.
Hiện tại, các lãi suất điều hành cơ bản đã giảm trung bình khoảng 1 điểm % so với hồi đầu năm. Xét ở góc độ điều hành chính sách tiền tệ thận trọng thì dư địa để giảm thêm lãi suất điều hành là hạn hẹp nếu nhìn trong tương quan lãi suất USD-VND.
Tuy nhiên, đặt trong tương quan chính sách tiền tệ là “cứu cánh” đối với tình hình kinh tế trong nước, VDSC nhận định vẫn có khả năng sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất 0,5 – 1 điểm % trong quý III/2023, đưa lãi suất điều hành về gần mức trước đợt tăng mạnh vào tháng 10 năm ngoái.
“Điều này đồng nghĩa với việc NHNN phải mạnh dạn đi thêm một bước nữa, dùng công cụ lãi suất điều hành để tạo áp lực giúp mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế giảm thêm. Nếu điều này diễn ra, chúng tôi kỳ vọng bước đi này sẽ mang tính quyết định hơn, có tính đánh đổi cao hơn và có thể tạo tác động lan toả tốt hơn so với các đợt giảm đầu năm nay”, nhóm phân tích nêu quan điểm.
Trong báo cáo phân tích mới phát hành, các chuyên gia Công ty Chứng khoán Kim Eng Việt Nam cũng kỳ vọng trong ba tháng tới sẽ có thêm một đợt hạ lãi suất điều hành, với mức điều chỉnh giảm thêm 0,5 – 1 điểm % cho lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu và trần lãi suất tiền gửi từ 1 đến 6 tháng.
Theo phân tích của các chuyên gia, tăng trưởng của nền kinh tế có thể sẽ thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 6,5% mà Chính phủ đặt ra trong năm nay. Ngay cả với dự báo +5,5% của nhóm phân tích cũng sẽ có rủi ro nghiêng về chiều hướng giảm.
“Với sự cấp thiết phải hỗ trợ tăng trưởng, chúng tôi hy vọng việc hạ lãi suất sẽ được thực hiện tiếp trong ba tháng tới”, Kim Eng Việt Nam cho biết.
Rủi ro chính đối với dự báo trên là áp lực tỷ giá tăng trở lại, điều này sẽ hạn chế khả năng hạ lãi suất của NHNN. Chênh lệch lãi suất với Mỹ đang thu hẹp do NHNN đã giảm lãi suất điều hành 1 điểm % từ đầu năm đến nay trong khi Fed tăng 0,75 điểm %. Dù vậy, các thị trường kỳ vọng Fed sẽ tạm dừng tăng từ tháng 6 và chỉ nới lỏng trong tháng 11.
Nói về dư địa giảm thêm lãi suất điều hành trong thời gian tới, ông Trần Ngọc Báu – CEO Wigroup – cho rằng, với mặt bằng lãi suất chính sách ở mức 3,5-5,5% như hiện nay, có thể nói dư địa giảm lãi suất vẫn còn. Bởi nếu xét về mặt số học thì NHNN vẫn có thể đưa lãi suất chính sách về 0,5-1% để hỗ trợ nền kinh tế nếu tình hình quá căng thẳng.
Tuy nhiên xét về mặt hiệu quả tổng thể thì câu chuyện lại khác, để cân đối giữa tăng trưởng kinh tế, ổn định lạm phát và kiểm soát tốt tỷ giá thì dư địa thực tế của Việt nam lúc này lại không còn nhiều.
Nếu nói lãi suất là “giá” của tiền thì có thể hình dung cung tiền giống như “thanh khoản” vậy. Việc quá tập trung vào “giảm giá” trong khi “thanh khoản đóng băng” thì có thể hiệu quả mang lại không cao, gây lãng phí nguồn lực.
Với bối cảnh cung tiền yếu như hiện nay, việc cố gắng chạy theo giảm lãi suất nhanh chóng so với xu hướng toàn cầu trong khi tỷ giá hiện tại vẫn còn nhiều ẩn số có thể phát sinh những rủi ro đảo ngược dòng vốn và gây ra những hệ lụy kép với kinh tế Việt Nam. Bởi nếu lúc này tỷ giá căng thẳng và NHNN phải quay trở lại bán USD ra nền kinh tế thì lượng cung tiền còn bị bóp nghẹt hơn nữa và lúc ấy việc mở rộng cung tiền sẽ càng trở lên thách thức.
Trên quan điểm cá nhân, ông Báu cho rằng cần phải làm đồng bộ cả hai mặt trận là giá và thanh khoản. Để làm được điều này thì: Một mặt giảm tiếp lãi suất chính sách thêm 1-1,5% nữa trong vòng 6-9 tháng tới, xét về thanh khoản, lạm phát và tỷ giá thì dư địa vẫn còn. Một mặt cung cấp thêm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thông qua việc mua USD, giải ngân đầu tư công hoặc một công cụ điều hành khác nếu cần …… song song với đó là giãn/nới các quy định an toàn vốn. Đây là phương án tối ưu nhất để giải quyết bài toán đẩy nhanh giảm lãi suất cho vay và lấy lại đà tăng cung tiền trong nền kinh tế.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thị trường đang kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ giảm về mức 4% đến năm 2025, tức về mức trước đại dịch Covid-19.
Gợi ý chính sách tài khóa – tiền tệ giai đoạn 2023 – 2024, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, hành chính.
Cụ thể, chính sách tiền tệ cần đa mục tiêu hơn, thêm trọng tâm ổn định tiền tệ – tài chính. Đồng thời, chuyển trạng thái từ “chặt chẽ, thận trọng” sang “nới lỏng thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng”.