Phần lớn người dân Việt Nam thiếu kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính
Sáng nay 12/4/2025, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) phối hợp với Học viện Ngân hàng tổ chức Diễn đàn thường niên Hoạch định Tài chính Cá nhân 2025 với chủ đề “Chân dung và vai trò của nhà hoạch định tài chính cá nhân trong phát triển thị trường tài chính bền vững”.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, cho rằng trong nền kinh tế nói chung, kinh tế tư nhân nói riêng, vai trò của tài chính cá nhân, gia đình – xét cả ở góc độ vi mô và vĩ mô – ngày càng trở nên thiết yếu.
Ở góc độ vi mô, tài chính cá nhân chính là huyết mạch nuôi dưỡng tế bào xã hội, là công cụ để mỗi cá nhân, gia đình quản lý đời sống kinh tế của mình một cách chủ động và hiệu quả. Khi cá nhân, gia đình biết lập ngân sách, tiết kiệm, đầu tư và tiêu dùng thông minh, họ có thể đảm bảo an toàn tài chính cho bản thân và gia đình, đầu tư cho y tế, giáo dục và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ở cấp độ vĩ mô, tài chính cá nhân, gia đình là một trong 3 trụ cột của hệ thống tài chính quốc gia (bên cạnh trụ cột tài chính công, tài chính doanh nghiệp), là tài chính của hàng triệu cá nhân, gia đình sẽ tạo nên “những dòng chảy nhỏ đổ về biển lớn” là nền kinh tế quốc dân. Khi người dân biết tiết kiệm và đầu tư hợp lý, thị trường tài chính sẽ được tiếp thêm dòng vốn quan trọng.
“Một nền kinh tế mạnh không chỉ cần chính sách vĩ mô tốt, doanh nghiệp lớn, mà còn cần mỗi cá nhân, gia đình có năng lực tài chính vững vàng. Chính từ những dòng tài chính nhỏ, thông minh và có trách nhiệm của từng cá nhân, gia đình chúng ta mới có thể hình thành được dòng chảy kinh tế quốc gia mạnh mẽ và bền vững”, PGS.TS Vũ Văn Phúc cho hay.

PGS.TS Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Nói về chân dung và vai trò của nhà hoạch định tài chính cá nhân, PGS.TS Vũ Văn Phúc nêu ra thực trạng hiện nay rằng tài chính cá nhân, gia đình ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều bất cập. Phần lớn người dân thiếu kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính dẫn đến các quyết định sai lầm như vay nợ quá mức, đầu tư “mù quáng”, hoặc tham gia vào các “mô hình lừa đảo tài chính”. Thay vì làm giàu bền vững, không ít người chọn con đường đầu cơ, chụp giật, gây rủi ro cho cả bản thân và thị trường.
Trong bối cảnh đó, nhà hoạch định tài chính cá nhân đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống tài chính, giúp khách hàng phân tích tình hình tài chính hiện tại, xác định các mục tiêu tài chính ngắn hạn và dài hạn, từ đó lập kế hoạch đầu tư, tiết kiệm, và quản lý chi tiêu hiệu quả. Họ cũng giúp cá nhân, gia đình lựa chọn các sản phẩm tài chính phù hợp như tín dụng, bảo hiểm, các công cụ đầu tư, giúp họ giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa tài sản.
Đồng quan điểm với ông Phúc, ThS. Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần FIDT cho biết, hiện nay, người Việt đang rất dễ “tổn thương” tài chính vì thiếu tư duy, phương pháp quản lý tài chính cá nhân.
Cụ thể, tỷ lệ chi phí y tế tự chi trả của người dân Việt Nam rất cao, lên đến 60% gây ra rủi ro tài chính không nhỏ. Cùng với đó, 35% người Việt chi nhiều hơn thu, dễ nợ nần. Không có dự phòng cho rủi ro bất ngờ khi 50% người Việt thiếu nguồn tiền dự phòng trong trường hợp khẩn cấp. Đáng chú ý, người Việt có xu hướng chỉ phụ thuộc vào một nguồn thu nhập.

ThS. Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần FIDT
Theo ThS Ngô Thành Huấn, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hoá dân số từ năm 2011. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có dân tộc già hoá dân số nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, người già ở Việt Nam chưa được chăm sóc tốt và 70% không có thu nhập, 30% không có bảo hiểm. Những nguyên nhân kể trên đã khiến tình hình tài chính của mỗi cá nhân người Việt trở nên mong manh và dễ tổn thương.
“Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi chưa từng được dạy về cách quản lý tài chính cá nhân, lập kế hoạch dự phòng hay đầu tư như thế nào cho hiệu quả. Trong khi đó, đây lại là những kỹ năng cơ bản cần thiết để bước vào cuộc sống trưởng thành. Ở một số quốc gia phát triển như Úc, học sinh lớp 6 đã được tiếp cận và hiểu rõ về các khái niệm như cổ phiếu, thị trường chứng khoán, bảo hiểm, và đầu tư. Trong khi đó, tại Việt Nam, ngay cả nhiều người trưởng thành cũng chưa nắm rõ những kiến thức này. Điều này cho thấy một lỗ hổng lớn trong giáo dục tài chính của người dân Việt Nam”, ông Huấn nêu quan điểm.
Nên có giấy phép riêng cho nghề Hoạch định tài chính cá nhân
Theo ThS. Ngô Thành Huấn, ngành quản lý gia sản vẫn chưa cất cánh vì nhiều lý do. Thứ nhất, tiềm năng lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Số lượng khách hàng có tài sản ngày càng tăng nhưng thiếu lực lượng tư vấn đủ năng lực để đồng hành chuyên sâu.
Thứ hai, khách hàng thiếu niềm tin vào định chế tài chính, lo ngại vấn đề thiếu minh bạch hoặc chỉ tập trung bán sản phẩm, do đó, cần lực lượng tư vấn độc lập, đặt lợi ích khách hàng lên hàng đầu.
Thứ ba, khách hàng ngày càng kỳ vọng cao về năng lực tư vấn tổng thể (đầu tư, bảo hiểm, hưu trí, giáo dục…) của người tư vấn.
Thứ tư, tuy số lượng sản phẩm tài chính trên thị trường khá nhiều, nhưng lại thiếu chiều sâu và sự khác biệt. Các sản phẩm và giải pháp từ các định chế tài chính vẫn còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu sống đa dạng và ngày càng phức tạp của người dân. Trong bối cảnh đó, người tư vấn tài chính cần đóng vai trò như một “kiến trúc sư tài chính” – người không chỉ giới thiệu sản phẩm, mà còn thiết kế những giải pháp phù hợp, toàn diện cho từng cá nhân hoặc gia đình.
Thứ năm, tương tác đa kênh hạn chế hệ thống tương tác vẫn nặng về gặp trực tiếp, thiếu tích hợp đa kênh.
Ông Huấn cũng cho rằng, Việt Nam hiện chưa có giấy phép riêng và khung năng lực thống nhất cho hành nghề tư vấn tài chính, do đó cần thiết lập chuẩn hành nghề chuyên biệt, tách biệt với giấy phép môi giới chứng khoán.
“Hoạch định tài chính cá nhân là một nghề nghiệp thiết yếu cần có hiện nay để giúp người dân xây dựng và quản lý tài chính trong nhiều giai đoạn cuộc sống”, ông Huấn nhấn mạnh.

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội
Theo ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, nhu cầu của người dân đối với các giải pháp tài chính an toàn và phát triển bền vững hiện nay là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng mở rộng và đa dạng hóa các kênh đầu tư. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để huy động hiệu quả nguồn vốn trong dân một cách an toàn, vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa kiểm soát tốt rủi ro cho cá nhân. Đây là một lĩnh vực hết sức quan trọng, nhưng thực tế cho thấy vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, đòi hỏi phải làm rõ nguyên nhân và đưa ra những giải pháp cụ thể.
Một thách thức lớn hiện nay là chúng ta vẫn chưa có cái nhìn toàn diện về khung pháp lý trong lĩnh vực này. So với các quốc gia phát triển như Mỹ, nơi có hệ thống tiêu chuẩn và quy định rõ ràng cho từng loại dịch vụ tài chính và từng nhóm khách hàng cụ thể, khung pháp lý của Việt Nam còn nhiều khoảng trống. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý phù hợp, đồng thời tăng cường tính minh bạch trong hoạt động tư vấn tài chính. Việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các tư vấn viên cần được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa nhằm đảm bảo họ có đạo đức nghề nghiệp và kinh nghiệm thực tiễn vững vàng.
Ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm tra tính xác thực của các chứng chỉ cũng như năng lực thực tế của tư vấn viên, nhất là trong bối cảnh đã có nhiều khách hàng bị lừa đảo do thiếu sự giám sát đầy đủ. Bên cạnh đó, cần có một văn bản tổng hợp toàn diện, đánh giá thực trạng cung – cầu trong lĩnh vực tư vấn tài chính tại Việt Nam, đồng thời phân tích các điểm còn thiếu trong khung pháp lý hiện hành để từ đó đưa ra kiến nghị cụ thể.
Thêm vào đó, vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp cũng hết sức quan trọng trong việc xây dựng và duy trì các tiêu chuẩn về đạo đức và chuyên môn của ngành. Theo đó, nên khuyến khích những người tư vấn có chứng chỉ hành nghề được hiệp hội công nhận, còn những người không đủ tiêu chuẩn cần bị loại khỏi lĩnh vực này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng.
Mạnh Đức