Mới đây, đường dây truyền tải điện siêu cao áp 1 chiều 800-kV giữa nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than và tỉnh Chiết Giang vừa được đưa vào vận hành hết công suất, đánh dấu 1 cột mốc quan trọng trong chương trình truyền tải điện từ Tây sang Đông của Trung Quốc.
Trong bối cảnh Trung Quốc phải đối mặt với sóng nhiệt kỷ lục, sự kiện này giúp đảm bảo nguồn cung điện cho Chiết Giang và thậm chí là cả miền Đông Trung Quốc trong mùa hè này.
Với tổng chiều dài 2.121 km, đường dây truyền tải điện Bạch Hạc Than – Chiết Giang trải dài từ tỉnh Tứ Xuyên (ở phía Tây Nam Trung Quốc) tới thành phố Hàng Châu của Chiết Giang. Đường dây được kỳ vọng sẽ truyền tải hơn 30 tỷ kwh mỗi năm, đủ đáp ứng nhu cầu điện của hơn 30 triệu người.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có đường dây truyền tải điện Bạch Hạc Than – Giang Tô được nghiệm thu từ tháng 7/2022. Tổng cộng 2 đường dây này có thể cung cấp khoảng 60 tỷ kwh điện sạch cho miền Đông Trung Quốc, tiết kiệm 27 triệu tấn than và giúp giảm 49 triệu tấn khí thải carbon.
Những con số “khủng” về nhà máy thủy điện lớn thứ hai Trung Quốc
Với tổng công suất lắp đặt 16 triệu kilowatt, Bạch Hạc Than hiện là nhà máy thủy điện lớn thứ hai Trung Quốc. Dự án được trang bị 16 tổ máy phát điện, mỗi tổ máy có công suất 1 triệu kilowatt. Tổ máy đầu tiên bắt đầu phát điện từ ngày 28/6/2021. Tất cả 16 tổ máy chính thức hoạt động từ tháng 12 năm ngoái.
Nằm giữa tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên, Bạch Hạc Than nằm trên sông Kim Sa, đoạn thượng du của sông Dương Tử. Bạch Hạc Than có cấu trúc hình vòm, với chiều cao tối đa là 289 m và chiều dài vòng cung là 709 m. Nhà máy được đặt ở vùng thung lũng sông, nơi áp suất thủy tĩnh sẽ lan rộng ra những ngọn núi đá ở hai bên.
Thiết kế như vậy vừa giúp tiết kiệm vật liệu xây dựng vừa tăng độ an toàn. Đập Bạch Hạc Than sử dụng khoảng 8 triệu mét khối xi măng tỏa nhiệt thấp.
Sâu bên trong đập là 3 triệu mét đường ống dẫn nước làm mát. Với hơn 10.000 cảm biến và các công nghệ tiên tiến như Internet vạn vật, điện toán đám mây và điều khiển thông minh, nhà máy có thể tự chẩn đoán sự cố, gửi cảnh báo khi xuất hiện bất thường về nhiệt độ hoặc lưu lượng dòng chảy.
Nhà máy này cũng phải xả nước trong mùa lũ. Do đó, trong những khoang ngầm bên bờ trái, người ta lắp đặt 3 đường hầm xả lũ không chịu áp. Mỗi đường hầm có thể chịu được áp lực tối đa lên tới 4.083 m3 mỗi giây, và nước có thể chảy qua đây với vận tốc 180km/giờ. 3 đường hầm này tạo thành hệ thống hầm xả nước không chịu áp lớn nhất thế giới.
Hành lang năng lượng xanh dài 1.800km
Bạch Hạc Than bắt đầu vận hành toàn bộ công suất từ tháng 12 năm ngoái, đánh dấu sự kiện hoàn thành hành lang năng lượng xanh lớn nhất thế giới. Hành lang này bao gồm 5 nhà máy thủy điện siêu lớn khác cùng được xây dựng trên sông Dương Tử, là Wudongde, Xiluodu, Xiangjiaba, Three Gorges Dam (Tam Hiệp) và Gezhouba.
Kéo dài 1.800km, hành lang năng lượng xanh của Trung Quốc có 110 tổ máy thủy điện. Tổng công suất lắp đặt đạt hơn 71 triệu kilowatt, trung bình mỗi năm có thể sản xuất khoảng 300 tỷ kwh, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của 360 triệu người, giải quyết tình trạng thiếu điện ở miền Trung và miền đông Trung Quốc.
Nguồn cung từ thủy điện sẽ giúp Trung Quốc giảm phụ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch như than đá. 6 nhà máy thủy điện tiết kiệm được tổng cộng hơn 90 triệu tấn than và giảm khoảng 248 triệu tấn khí thải carbon mỗi năm.
Ngoài tác dụng cải thiện cấu trúc năng lượng của Trung Quốc, các nhà máy thủy điện còn giúp kiểm soát lũ, tối ưu nguồn nước cũng như đảm bảo an ninh hệ sinh thái trên đồng bằng sông Dương Tử.
Tham khảo CGTN