Vài năm trước, chú chó Bobby của Fu – một kỹ sư 34 tuổi phụ trách các việc liên quan đến hệ thống sưởi ấm – được chẩn đoán mắc chứng đông máu. Tình trạng Bobby xấu đi nhanh chóng chỉ trong vòng 2 tháng. Đến khi nhận ra mình không còn có thể làm gì để cứu mạng chú chó nhỏ, tìm đến bác sĩ thú y cũng không hiệu quả, Fu lựa chọn một phương pháp khác: “Nhà ngoại cảm thú cưng”.
Theo trang Sixth Tone, mặc dù không có bằng chứng khoa học nào cho thấy “nhà ngoại cảm thú cưng” thực sự có thể giao tiếp với động vật, nhưng một số người cho rằng dịch vụ này đã giúp họ vượt qua được nỗi đau vì sự ra đi của người bạn nhỏ.
Dịch vụ này cực kỳ phổ biến ở Đài Loan (Trung Quốc) và thời gian gần đây nở rộ ở Trung Quốc đại lục, sau khi Tân Hoa Xã đưa tin về một doanh nhân Đài Loan thành công trong dịch vụ tâm linh thú cưng. Theo nền tảng phân tích dữ liệu Newrank, dịch vụ này ngày càng thu hút sự chú ý với hơn 2.200 bài liên quan với gần 1 triệu lượt xem được đăng tải trên mạng xã hội Xiaohongshu.
Cô Fu tìm đến Bei Li – Giám đốc điều hành của Liên minh Truyền thông Động vật Châu Á (AACA) và được xem là người giỏi nhất trong ngành. Liên minh này được thành lập vào năm 2020 và hiện đã có hơn 100 “nhà ngoại cảm” hay còn gọi là “người giao tiếp động vật” đến từ nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore… đăng ký tham gia.
Những nhà ngoại cảm này tuyên bố có thể “giao tiếp” với thú cưng chỉ bằng 1 bức ảnh và 1 cái tên. Thông qua điện thoại, Bei Li nói với Fu rằng Bobby không muốn trở thành thành viên của gia đình họ trong kiếp sau nữa, chú cho muốn sống cuộc đời của riêng mình. Ngoài ra, Bobby còn muốn Fu mặc một chiếc áo len màu tím trong đám tang của nó.
Fu cho hay: “Đó chính xác là những gì Bobby sẽ nói. Nó lớn lên trong một nhà máy và thường ở một mình. Tôi đã từng nuôi rất nhiều thú cưng, dịch vụ kiểu này là một phương pháp tốt để tôi chấp nhận hiện thực tàn khốc sau khi chúng ra đi”.
Carolyn Zhang (24 tuổi) cũng đồng ý với điều này. Cô đã sử dụng dịch vụ “nói chuyện với thú cưng” khi đang gặp vấn đề về sức khoẻ tâm thần vì cho rằng việc giao tiếp với chú mèo cưng còn tốt hơn điều trị bằng thuốc. Sau đó, Carolyn cũng giới thiệu dịch vụ cho bạn của mình.
Theo Bei Li, dịch vụ của họ mang tính khoa học và dựa trên việc phát triển “nhận thức ngoại cảm”. Tổ chức AACA cấp giấy phép cho những người vượt qua kỳ thi chính thức khi trả lời đúng 70% số câu hỏi, trong đó thí sinh phải trả lời các câu hỏi về thú cưng chỉ dựa trên ảnh và tên của chúng.
Đây là một công việc kinh doanh sinh lời, với khoá học trực tiếp có giá lên đến 17.800 nhân dân tệ (gần 60 triệu VNĐ) trong 3 ngày và khoá học trực tuyến có giá 14.800 nhân dân tệ (gần 50 triệu VNĐ). Khi chính thức được cấp phép hành nghề, các nhà ngoại cảm thu phí từ khách hàng 300 nhân dân tệ (khoảng 1 triệu VNĐ) cho 30 phút nói chuyện. Mức đắt nhất là từ một CEO khác của Hiệp hội với 888 nhân dân tệ (gần 3 triệu VNĐ) cho 30 phút, và hiện đã có đến 731 lượt đặt trước. Còn Bei Li thu mức phí 400 nhân dân tệ (khoảng 1,3 triệu VNĐ) và đã có 3.250 lượt đặt.
Tính đến năm 2022, số lượng thú cưng ở Trung Quốc đã đạt con số 116 triệu, những người nuôi thú cưng cũng trở nên hào phóng hơn trong việc chi tiền cho thú cưng. Tuy nhiên, sự tăng trưởng liên tục của ngành này cũng kéo theo nhiều vấn đề, nhiều người lên tiếng phản đối nhiều dịch vụ vô lý cho thú cưng trong đó có việc “ngoại cảm”.
Đáp lại sự hoài nghi, Bei Li cho rằng “việc mọi người bị thu hút bởi một ngành nghề mới phát triển là điều hết sức bình thường”, đồng thời, cô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các quy tắc trong ngành. Do tính chất ngành nghề còn non trẻ nên chính quyền vẫn chưa thiết lập các quy tắc rõ ràng cho nó và cả những người làm nghề.