Nghề ‘độc’ kiếm bộn tiền: Nấu chảy rác thải để lấy vàng
Rác điện tử đang là mỏ vàng. Nhiều quốc gia trên thế giới nỗ lực chiết xuất vàng từ các bảng mạch đã qua sử dụng và rác điện tử.
Theo Nikkei, một nhà máy tại thành phố Hiratsuka, tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) xử lý lượng lớn bảng mạch điện tử và trang sức. Nhà máy này nấu chảy rác thải để lấy vàng và một số kim loại khác. Tại đây, khoảng 3.000 tấn rác thải mạch điện tử và trang sức được tái chế mỗi năm.
Ông Akio Nagaoka, người đứng đầu nhà máy, cho hay nhu cầu tái chế ngày càng tăng. Ông bày tỏ mong muốn mở rộng việc thu gom rác điện tử không chỉ ở Nhật, mà còn ở khu vực ASEAN.
Công ty Mitsubishi Materials (Nhật Bản) đặt mục tiêu có thể xử lý 240.000 tấn phế liệu mỗi năm vào cuối năm tài chính 2030, so với khoảng 160.000 tấn hiện nay.
Tại Huelva (Tây Ban Nha), công ty khai thác mỏ quốc tế Atlantic Copper, đang xây dựng nhà máy quy mô lớn thứ 7 thế giới (thứ 4 ở Liên minh châu Âu – EU và thứ nhất ở Nam Âu) để chiết xuất vàng và các kim loại quý khác từ rác thải điện tử. Nhà máy có công suất xử lý 60.000 tấn/năm. Trong quý I/2025, nước này dự kiến sẽ cho ra những sản phẩm đầu tiên hoàn toàn từ chất thải.
Châu Âu còn 2 nhà máy lớn chuyên tái chế, thu hồi kim loại quý từ phế liệu điện tử ở Boliden (Thụy Điển) và ở Aurubis (Đức).
Nhà máy tái chế vàng từ rác thải điện tử.
|
Là chất dẫn điện tốt, vàng được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm điện tử. Trước tình hình rủi ro địa chính trị tại Trung Đông, vàng được coi là tài sản trú ẩn an toàn. Giá vàng tăng kéo theo nhu cầu tái chế kim loại để lấy vàng cũng tăng theo. Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nguồn cung vàng tái chế toàn cầu đã tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 923,7 tấn, vượt xa mức tăng trưởng 3% từ việc khai thác mỏ.
Nguồn cung từ việc tái chế trong năm 2023 dự kiến tiệm cận với khối lượng 1.293,1 tấn của năm 2020, cao nhất trong thập kỷ qua.
Vàng tái chế hiện chiếm dưới 30% nguồn cung toàn cầu. Theo WGC, với sản lượng từ các mỏ bị đình trệ, việc thu hồi kim loại quý từ điện thoại thông minh, thiết bị gia dụng cũ và các phế liệu khác đang trở nên quan trọng. Ước tính, mỗi năm thế giới xả khoảng 20-50 triệu tấn chất thải điện tử, tương đương hơn 5% tổng số chất thải rắn đô thị.
Bộ Môi trường Nhật Bản cho hay trung bình cứ 10.000 chiếc điện thoại hỏng có thể thu về khoảng 280 gram vàng. Việc khai thác vàng từ rác điện tử hiệu quả hơn 56 lần so với khai thác vàng từ tự nhiên.
Theo Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), có khoảng 9.071,85kg đồng, 9,071kg palladium, 249,48kg bạc và 22,68kg vàng được phục hồi nếu chúng ta tái chế 1 triệu chiếc điện thoại di động.
Pablo Gámez Cersosimo, nhà nghiên cứu tại Hà Lan, cho biết trong 25 năm tới, nhu cầu về kim loại và khoáng sản sẽ tăng gấp 12 lần. “Mỗi năm, chúng ta cần xử lý một ngọn núi Everest”, ông nói. Việc khai thác các vật liệu như vàng, bạc, bạch kim, palladium, niken, thiếc, antimon hoặc bismuth từ Trái đất rất tốn kém và có hại cho môi trường.
Chính sách khuyến khích
Ruediger Kuehr, giáo sư tại Đại học Limerick (Ireland) và là người đứng đầu Chương trình Chu trình Bền vững của Liên hợp quốc (Scycle) ở Đức, cho rằng những tài nguyên quan trọng như vàng, bạc,… có thể được phục hồi và quay trở lại chu trình sản xuất. Nếu không tái chế những vật liệu này, chúng ta cần phải khai thác những nguồn cung cấp mới, điều này sẽ gây hại cho môi trường.
Theo Global E-waste Monitor, chỉ trong 7 năm nữa, sẽ có 74 triệu tấn rác thải điện tử toàn cầu mỗi năm do mức tiêu thụ tăng, tuổi thọ thiết bị rút ngắn và những hạn chế liên quan đến việc sửa chữa. Do đó, tái chế rác điện tử không chỉ tốt cho môi trường mà giờ đây nó còn là một ngành có tiềm năng sinh lời cao.
Nhu cầu tái chế vàng tăng mạnh.
|
Không chỉ vàng, Chính phủ Nhật Bản cũng đang khuyến khích thúc đẩy việc tái chế các kim loại quý giá khác trong các bảng mạch của xe điện để tăng cường an ninh kinh tế.
Nhật Bản đồng ý thiết lập khuôn khổ chung với các nước trong khu vực Đông Nam Á về tái chế tài nguyên, với mục tiêu hợp tác quốc tế lớn hơn để đảm bảo nguồn cung rác điện tử. Hiện chỉ một số ít quốc gia khai thác hiệu quả nguồn vàng này.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng hạn chế xuất khẩu rác điện tử. Các sửa đổi của Công ước Basel (Công ước quốc tế về vận chuyển xuyên biên giới và thải bỏ các chất thải độc hại) có hiệu lực vào năm 2025 sẽ hạn chế hơn nữa việc vận chuyển các bảng mạch đã qua sử dụng và nhiều phế liệu khác.
Cùng với đó, các chuyên gia cũng tìm những phương pháp mới để tái chế vàng từ rác thải. Tại Trung Quốc, các nhà khoa học phát triển một kỹ thuật mới có thể vừa chiết xuất vàng từ rác thải điện tử vừa giảm thiểu tác động đến môi trường của quá trình xử lý.
Richard Liu, Giám đốc Phát triển bền vững cho nhóm kinh doanh tiêu dùng của Huawei (Trung Quốc), cho hay đang tìm cách để khiến việc tái chế điện thoại thông minh trở nên dễ dàng hơn.
Còn Javier Targhetta, Giám đốc điều hành của Atlantic Copper, thông tin Tây Ban Nha có thể sẽ đạt được mức xử lý và tái chế 100%. Đây là một bước đi rất quan trọng để trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đạt được điều đó.
Duy Anh