Chuyển nợ không đồng nghĩa với kéo dài thời hạn cho vay
Từ 1/9, Thông tư 06/2023/TT-NHNN (Thông tư 06) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng đã bắt đầu có hiệu lực.
Trong đó, có quy định đang được dư luận quan tâm là các tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống. Như vậy, các khách hàng đang vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống như mua nhà, mua ô tô… sẽ có cơ hội thụ hưởng ưu đãi từ chính sách mới trên.
Trao đổi về điểm mới trong Thông tư 06 này, đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đánh giá, Thông tư 06 quy định “mở hơn”, cho phép người đi vay có thể vay từ tổ chức tín dụng này để trả nợ trước hạn khoản vay tại tổ chức tín dụng khác phục vụ mục đích tiêu dùng thay vì chỉ trong phạm vi vay phục vụ hoạt động kinh doanh như trước đây, cũng như chỉnh sửa một số quy định phù hợp với điều kiện hiện nay của thị trường.
“Việc này tạo điều kiện cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn, đồng thời tạo động lực để các ngân hàng tích cực nâng tầm chính sách bán hàng và chăm sóc khách hàng của mình”, lãnh đạo Sacombank nhận định.
Tuy nhiên, đại diện Sacombank lưu ý khách hàng việc chuyển dư nợ vay sang tổ chức tín dụng khác không đồng nghĩa với việc kéo dài thời hạn cho vay so với hợp đồng vay ban đầu và đó phải là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Theo khảo sát của phóng viên, hiện có 3 ngân hàng công bố thông tin liên quan đến chính sách trên; trong đó ngoài yếu tố lãi suất thì đều nhấn mạnh thời gian cho vay tối đa từ 30 – 35 năm tùy từng ngân hàng và không quá thời gian còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác.
Thông tin mới nhất từ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, các khách hàng có nhu cầu vay vốn trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác với các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh và khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm như vay mua nhà, mua xe… sẽ được hỗ trợ vay vốn tại VietinBank với lãi suất ưu đãi. Cụ thể, lãi suất cho vay khách hàng cá nhân từ 5,6%/năm đối với vay sản xuất kinh doanh và từ 7,5%/năm đối với vay tiêu dùng.
Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), mức lãi suất cho vay ưu đãi áp dụng từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu. Vietcombank cho biết, sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) áp dụng lãi suất vay từ 6%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và từ 6,8%/năm đối với khoản vay trung dài hạn.
Mức cho vay để trả nợ trước hạn tại 3 ngân hàng trên đều lên tới 100% dư nợ gốc còn lại tại ngân hàng khác và khách hàng được ân hạn nợ gốc lên tới 24 tháng nhưng không vượt quá thời gian ân hạn trả nợ gốc còn lại của khoản vay.
Lưu ý “phí phạt” khi trả nợ trước hạn
Theo các chuyên gia tài chính, chính sách mới sẽ tạo điều kiện cho khách hàng được chọn lựa ngân hàng vay vốn nhưng cũng gia tăng áp lực lên các ngân hàng phải nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng tính cạnh tranh về lãi suất để vừa thu hút khách hàng mới lại vừa giữ chân được khách hàng cũ.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, quy định cho khách hàng vay để trả nợ cho ngân hàng khác là chính sách rất kịp thời, kịp lúc của các ngân hàng thương mại dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Bởi nguyên nhân cho việc “đảo nợ” này là đa phần các khách hàng vay hiện hữu chưa được giảm lãi suất, có thể đến từ do chế, do quy trình của các ngân hàng đang cho vay hiện hữu chưa thể xử lý liền các hồ sơ giảm lãi suất vay, vì còn liên quan đến hợp đồng, khế ước vay.
“Ví dụ theo khế ước vay quy định thời gian 1 năm, hoặc sau 6 tháng mới điều chỉnh lãi vay. Hiện nay thời gian chưa tới thì ngân hàng không điều chỉnh”, ông Phương cho rằng có thể do nguyên nhân này dẫn đến các ngân hàng thương mại chưa thể giảm lãi suấtcho khách hàng vay.
Và điều này không đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng như hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước trong việc hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giảm lãi suất cho vay.
Cũng theo ông Phương, giải pháp cho vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác là giải pháp mang tính kỹ thuật, để “các ngân hàng cho vay mới”. Thực sự mà nói giống như là “đảo nợ” các khoản vay cũ.
“Với khế ước mới, khách hàng có thể được vay với lãi suất thấp hơn, và thực sự đây là giải pháp rất hiệu quả ở thời điểm hiện tại”, ông Phương nói.
Ông Phương cũng cho rằng, mỗi ngân hàng sẽ có mỗi tiêu chí, yêu cầu khách hàng vay của mình phải đáp ứng khác nhau, nhưng về cơ bản các tiêu chí sẽ giống nhau đến 80%. 20% còn lại theo đặc trưng, đặc thù của mỗi ngân hàng. Tuy nhiên, với chủ trương cho vay để đảo nợ thì các ngân hàng sẽ linh hoạt trong vấn đề thủ tục.
Ông Phương nêu ví dụ như làm sao để rút chuyển giao hồ sơ từ ngân hàng A sang ngân hàng B (từ cũ qua mới) thì các ngân hàng sẽ có quy trình mới để làm điều này. Vì về lý thuyết khách hàng đang vay nợ cũ, đâu có tiền mới để tất toán và vay lại khoản mới, nên hồ sơ sẽ không rút ra được để vay mới.
“Cho nên, khả năng các ngân hàng áp dụng chính sách này sẽ có cơ chế làm việc 3 bên (ngân hàng A, B và khách hàng) để đảm bảo cam kết thanh toán hộ cho khách hàng. Và ngân hàng cũ sau đó sẽ chuyển hồ sơ khách hàng cho ngân hàng mới”, ông Phương nói thêm.
Các chuyên gia cũng lưu ý khách hàng về “phí phạt” khi trả nợ trước hạn. Một chuyên gia cho biết, hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều thu phí trả trước hạn, nhưng cách tính thì khác nhau. Với một số ngân hàng cổ phần, phí được tính theo nguyên tắc thời hạn trả trước càng dài thì phí càng cao.
Do đó, các chuyên khuyến cáo người vay cần đọc kỹ hợp đồng và thỏa thuận cụ thể với ngân hàng khi vay ngân hàng khác để trả nợ trước hạn để tránh thiệt thòi.