Đây là một trong những nội dung TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia đưa ra tại tọa đàm góp ý dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) 2024 do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 18/4 vừa qua.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Dự thảo Luật các TCTD sửa đổi (2025) hiện đang quy định đối tượng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) là các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ. Theo Luật các TCTD 2024, tổ chức mua bán, xử lý nợ được định nghĩa là: “Tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ”.
Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia chỉ ra, hiện chỉ có 2 đơn vị phù hợp với mô tả này là DATC và VAMC. Việc này dẫn đến thực trạng hoạt động mua bán nợ chỉ diễn ra giữa VAMC, DATC và các TCTD, hoặc công ty quản lý tài sản thuộc TCTD (AMCs), trong khi các doanh nghiệp mua bán nợ khác (nhất là khu vực tư nhân) không có động lực để tham gia thị trường bởi họ không có quyền thu giữ, xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu.
Điều này dẫn đến một số vấn đề như: các khoản nợ xấu thường bị đọng trong sổ sách của các TCTD, ảnh hưởng tới khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế; khả năng huy động nguồn lực để xử lý nợ xấu cũng bị ảnh hưởng tiêu cực khi nhiều tổ chức, cá nhân có nguồn tài chính, mong muốn tham gia vào hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu nhưng tiếp tục đứng ngoài… Việc tiếp tục giới hạn các tổ chức có quyền thu giữ tài sản đảm bảo sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của thị trường tài chính trong dài hạn.
Từ thực tế đó, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị, Dự thảo Luật các TCTD sửa đổi (2025) nên quy định cho phép mở rộng đối tượng mua – bán nợ theo hướng: NHNN sẽ thực hiện cấp phép cho một số công ty mua – bán nợ đáp ứng được các điều kiện về năng lực chuyên môn, năng lực tài chính, công nghệ, chuẩn mực đạo đức, quy trình nội bộ… và những công ty này sẽ được bổ sung vào định nghĩa “tổ chức mua bán, xử lý nợ” trong Luật các TCTD sửa đổi.
“Quy định này sẽ có thêm một số tổ chức có quyền thu giữ tài sản đảm bảo trong Luật, tăng cường khả năng thu hút nguồn vốn từ xã hội cho hoạt động xử lý nợ xấu”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Tại tọa đàm, TS. Cấn Văn Lực cũng đã đưa ra một số kiến nghị khác liên quan đến: xử lý TSBĐ là quyền khai thác khoáng sản; về tạm đình chỉ giải quyết vụ việc theo quy định của Luật Phá sản; vấn đề áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ tại Tòa án; bổ sung quy định bảo đảm nhất quán với các văn bản pháp luật khác như Luật Kinh doanh Bất động sản 2023.
Cụ thể, về xử lý TSBĐ là quyền khai thác khoáng sản, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia cho rằng cần luật hóa điều này bởi Luật Khoáng sản 2010 và các văn bản hướng dẫn hiện nay vẫn chưa sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về cơ chế xử lý đối với quyền khai thác khoáng sản được thế chấp tại các TCTD. Vì vậy, việc triển khai xử lý đối với các TSBĐ này thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, đặc biệt đối với các trường hợp bên bảo đảm không hợp tác hoặc Giấy phép khai thác khoáng sản bị hết thời hạn.
Về tạm đình chỉ giải quyết vụ việc theo quy định của Luật Phá sản, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị, cần có quy định nhằm đảm bảo hoạt động xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ không bị gián đoạn trong trường hợp bên vay là pháp nhân chủ động nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản để trì hoãn, trốn tránh trách nhiệm.
Về vấn đề áp dụng “Thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ tại Tòa án”, chuyên gia này đánh giá, áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo là một chủ trương đúng đắn, nhưng cần được điều chỉnh để phù hợp với thực tế.
Để phù hợp với thực tế, TS. Cấn Văn Lực đề xuất nên phân nhóm các vụ việc: (i) đối với các tranh chấp liên quan đến các thỏa thuận về biện pháp bảo đảm đã được công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm, đã phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ ba thì Tòa án xem xét công nhận và cho thi hành án ngay; (ii) nên xem xét mở rộng việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp về hợp đồng tín dụng (đặc biệt là các tranh chấp khoản vay cá nhân, tiêu dùng, khoản vay theo món rõ ràng, chứng cứ đầy đủ…) để giảm chi phí cho các TCTD và bên vay, phù hợp với đề án cải cách hoạt động tư pháp.
Ngoài ra, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia cũng nhấn mạnh việc cần bổ sung quy định đảm bảo nhất quán với các văn bản pháp luật khác, cụ thể là Luật các TCTD 2024 với Luật Kinh doanh Bất động sản 2023.
Theo đó, tại Khoản 3 Điều 200 Luật các TCTD 2024 quy định: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của TCTD, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về các TCTD được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo quy định về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của Luật Kinh doanh Bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan nhưng không phải áp dụng quy định về điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản đối với bên chuyển nhượng dự án bất động sản của Luật Kinh doanh Bất động sản”.
Tuy nhiên, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 chỉ quy định thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản trong trường hợp Chủ đầu tư dự án chủ động chuyển nhượng (theo Điều 42 Luật KD BDS 2023). Vì vậy, để tháo gỡ vướng mắc này, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị Dự thảo nên bổ sung quy định theo hướng: giao trách nhiệm cho Chính phủ hướng dẫn thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản do TCTD là bên chuyển nhượng.
Tại tọa đàm, TS. Cấn Văn Lực cũng đã đưa ra kiến nghị với Bộ Tư pháp/Tổng cục Thi hành án dân sự về nội dung liên quan đến thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ và xử lý TSBĐ trong quá trình thi hành án. Theo đó, chuyên gia này kiến nghị Bộ Tư pháp/Tổng cục Thi hành án dân sự có văn bản quán triệt, hướng dẫn các cơ quan thi hành án dân sự địa phương: (i) Thực hiện việc kê biên, phát mại TSBĐ trong trường hợp một nghĩa vụ được bảo đảm bằng nhiều tài sản và mỗi tài sản đều được dùng để bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ; (ii) Cách thức xử lý trong trường hợp số liệu đo đạc trên thực tế của TSBĐ sai lệch so với số liệu trên Giấy chứng nhận.