Đây cũng là những vấn đề mà TS. Phạm Minh Tú – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra trong Tọa đàm “Tài chính vi mô: Cơ hội vươn lên cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ” do Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển cùng Trung tâm Phát triển doanh nghiệp nông thôn Việt tổ chức.
Theo ông Tú, từ năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc phê duyệt chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tài chính toàn diện theo định hướng thị trường, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Việc thúc đẩy tài chính toàn diện đi đôi với sự an toàn, hiệu quả và bền vững của hệ thống tài chính, bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Trong đó, ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo là thành tố quan trọng thúc đẩy tài chính toàn diện. Cùng với đó, công tác an toàn bảo mật được chú trọng, các rủi ro liên quan đến quá trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính, nhất là những sản phẩm tài chính số được quản lý, giám sát đầy đủ.
“Trong bối cảnh lĩnh vực tài chính đang có xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ thông qua công nghệ số để người dân dễ tiếp cận, quá trình chuyển đổi mang lại những cơ hội nhất định cho nước ta. Nếu nắm bắt được những cơ hội đó, Việt Nam có thể tăng tốc nhanh hơn đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững – mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta”, ông Tú nhấn mạnh.
Tuy nhiên theo ông Tú, những thách thức trong quá trình thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam vẫn còn tồn tại. Thứ nhất, các tổ chức, chương trình, dự án vẫn còn tồn đọng nhiều hạn chế như năng lực vốn, tài sản yếu, mạng lưới mỏng, thiếu đa dạng trong phát triển và cung ứng sản phẩm dịch vụ; hạn chế trong ứng dụng công nghệ, số lượng nhân sự có đủ nghiệp vụ chuyên môn còn chưa nhiều… thách thức còn đến từ những bất cập từ cơ chế, chính sách ở thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, một bộ phận khách hàng vẫn chưa được trang bị smartphone (điện thoại thông minh) với nhiều lý do như tuổi tác, hoàn cảnh kinh tế, kỹ năng công nghệ… Đây cũng là thách thức đối với quá trình thúc đẩy tài chính.
Cũng tại tọa đàm, PGS.TS Lê Văn Luyện – Nguyên Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng chia sẻ xoay quanh vai trò của các tổ chức vi mô trong việc xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế bền vững.
Theo ông Luyện, các tổ chức tài chính vi mô hiện giúp người nghèo không chỉ bằng tiền mà còn giúp họ phát triển kinh tế thông qua việc hỗ trợ kỹ năng, tạo mối quan hệ với doanh nghiệp, đưa sản phẩm ra thị trường, thậm chí xuất khẩu. Bên cạnh đó, các tổ chức này còn cung cấp vốn mà còn giáo dục và hỗ trợ người dân khai thác tiềm năng của địa phương, tạo công ăn việc làm, giữ gìn môi trường và giảm di cư tự phát. Các chương trình tài chính vi mô còn giúp kết nối các sản phẩm từ các địa phương ra thị trường rộng lớn hơn, góp phần phát triển đất nước bền vững.
Cũng theo vị này, để các tổ chức tài chính vi mô có thể phát huy tác dụng tối đa, cần có một hành lang pháp lý hoàn thiện và đáng tin cậy. Sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Ngân hàng Nhà nước. Khi các quy định pháp lý được bổ sung và hoàn thiện, các tổ chức tài chính vi mô sẽ có điều kiện thuận lợi để tiếp cận các nguồn tài trợ trong và ngoài nước, giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn và phát triển kinh tế bền vững.
Cuối phần chia sẻ trong tham luận, ông Luyện nhấn mạnh: “Để giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững, ngoài vấn đề vốn, người dân cần được trang bị kiến thức và kỹ năng làm kinh tế, biết cách sử dụng đòn bẩy tài chính, trí tuệ và thời gian để khai thác tiềm năng địa phương”.