Theo Cục Quan hệ lao động và tiền lương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, dự báo mức thưởng Tết nguyên đán 2025 sẽ phổ biến tương đương 1 tháng lương. Nhận định này dựa trên căn cứ vào việc tăng lương, một số ngành sản xuất tốt, công nhân phải tăng ca và ghi nhận sự đồng hành của người lao động với doanh nghiệp qua những khó khăn trong năm. Mức thưởng Tết Nguyên đán 2025 sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 – 8% do mức lương tối thiểu vùng tăng trong năm nay.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhiều doanh nghiệp đều khẳng định có thưởng Tết và một số doanh nghiệp ở phía Nam đã sớm công bố mức thưởng Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2025 từ đầu tháng 12 này để người lao động yên tâm làm việc.
Theo Bộ Luật lao động 2019 hiện hành không có quy định cụ thể về việc doanh nghiệp bắt buộc phải thưởng Tết cho người lao động. Song, thưởng Tết vẫn luôn tồn tại như một loại hình văn hóa doanh nghiệp, không dễ thay đổi hoặc xóa bỏ. Dù tình hình sản xuất – kinh doanh trong năm không mấy khả quan hay đã chăm lo trong nhiều dịp Lễ khác thì thưởng Tết vẫn là niềm mong mỏi lớn lao của người lao động.
Căn cứ theo tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và chỉ số hiệu quả, năng suất lao động, mức độ hoàn thành công việc của nhân viên trong 1 năm mà doanh nghiệp có thể xây dựng quy chế nội bộ về chế độ thưởng Tết. Mức thưởng Tết sẽ do doanh nghiệp tự quyết định.
Theo giới chuyên gia, dù không bắt buộc nhưng tiền thưởng có tác dụng kích thích mạnh mẽ người lao động phấn đấu và sáng tạo trong quá trình lao động; bảo đảm sự công bằng trong lĩnh vực trả lương… Trên thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng tiền thưởng như chiến lược để ổn định lực lượng lao động tại chỗ, thu hút người lao động giỏi và phát triển về chất lực lượng lao động trong đơn vị, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Công đoàn tham gia giám sát lương, thưởng Tết
Để bảo đảm quyền lợi người lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng như Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp lên phương án tính toán, cân đối lo thưởng Tết Nguyên đán 2025 cho đoàn viên, người lao động.
Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội yêu cầu các địa phương nắm bắt tình hình tiền lương, nợ lương năm 2024, ban hành kế hoạch thưởng Tết 2025, báo cáo về Bộ trước ngày 15/12/2024.
Cơ quan này cũng yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn phối hợp, trao đổi với công đoàn cơ sở rà soát lại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, thưởng để thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động theo nội dung đã thỏa thuận; xây dựng phương án thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2024 theo quy định của Bộ luật Lao động và thông báo cho người lao động trong doanh nghiệp biết.
Trong kế hoạch về tổ chức hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ông Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – yêu cầu các công đoàn cơ sở chủ động tham gia với người sử dụng lao động công khai phương án trả lương, thưởng Tết trước ngày nghỉ Tết ít nhất 30 ngày.
Đồng thời, giám sát việc thực hiện trả lương, thưởng Tết, điều kiện làm việc, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, làm thêm giờ; đảm bảo quyền lợi thỏa đáng cho đoàn viên, người lao động tăng ca, làm thêm giờ, làm việc trong dịp Tết.