Techcombank hiện đang dẫn đầu về mức chi trả với tổng tỷ lệ là 115%. Theo đó, ngân hàng sẽ trình cổ đông phương án dành hơn 5.283 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối để chia cổ tức tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ là 15%/cổ phiếu (1 cổ phiếu nhận 1.500 đồng). Thời gian dự kiến thực hiện trong quý II hoặc quý III/2024.
Đây là một sự thay đổi lớn của Techcombank sau hơn 1 thập niên giữ lại lợi nhuận để củng cổ nền tảng vốn, phát triển kinh doanh. Theo lãnh đạo nhà băng, điều này sẽ đảm bảo dòng tiền thường xuyên cho cổ đông, khi vừa có thu nhập trực tiếp đến từ kết quả kinh doanh hàng năm, trong khi vẫn tối ưu hóa lợi ích từ tiềm năng tăng giá.
Bên cạnh đó, HĐQT Techcombank cũng trình phương án tăng vốn điều lệ từ hơn 35.225 tỷ đồng lên trên 70.450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu để chi thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 100%.
Nếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua, đây sẽ lần đầu tiên Techcombank chia cổ tức bằng tiền mặt sau hơn 1 thập niên và là lần đầu tiên chia cổ tức bằng cổ phiếu sau 5 năm.
Nói về sự thay đổi trong chính sách chia cổ tức, Tổng Giám đốc Techcombank, ông Jens Lottner, cho biết việc thay đổi chính sách chi trả cổ tức dựa trên đánh giá về tiềm năng lợi nhuận, tình hình vốn và những dự báo về thay đổi chính sách. Với những nền tảng hiện có, Techcombank có thể thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt đồng thời vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận 20%/năm cũng như các tỷ lệ an toàn như chiến lược đã đề ra. CEO Techcombank cũng khẳng định, ban lãnh đạo Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức bằng tiền mặt một cách bền vững. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng quyết định cuối cùng sẽ thuộc về Đại hội Đồng cổ đông.
Tính đến hiện tại, ngân hàng dự kiến sẽ chia cổ tức cao thứ hai sau Techcombank là MSB. Tại đại hội đồng cổ đông tới đây, MSB sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30% từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối tính đến thời điểm 31/12/2023. Như vậy, mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu MSB tại ngày chốt quyền sẽ được nhận thêm 30 cổ phiếu mới.
Sau khi hoàn tất việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức, vốn điều lệ MSB sẽ tăng từ mức 20.000 tỷ đồng hiện tại lên 26.000 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tổ chức ngày 2/4, VIB đã thông qua kế hoạch chia cổ tức với tổng tỷ lệ là 29,5% vốn điều lệ, gồm 12,5% cổ tức tiền mặt và 17% cổ phiếu thưởng. Riêng về cổ tức tiền mặt, trong tháng 2/2024, VIB đã tạm ứng cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 6% và sẽ trả tiếp tỷ lệ 6,5% trong thời gian tới. Tổng cộng số tiền sử dụng để chi trả cổ tức tiền mặt là 3.171 tỷ đồng.
Về kế hoạch trả thưởng cổ phiếu, ngân hàng sẽ phát hành 431,3 triệu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 17% (mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu MSB tại ngày chốt quyền sẽ được nhận thêm 17 cổ phiếu mới).
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tổ chức ngày 4/4, ACB cũng đã thông qua kế hoạch trích ra hơn 9.700 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông với tổng tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm hơn 5.800 tỷ lên 44.666 tỷ đồng. ACB dự kiến thời gian hoàn thành việc tăng vốn điều lệ là quý 3/2024.
Tương tự ACB, HDBank cũng sẽ trình Đại hội đồng cổ đông kế hoạch chia cổ tức năm 2023 (thực hiện trong năm 2024) tại cuộc họp cổ đông vào ngày 26/4 tới đây với tỷ lệ 25%, trong đó gồm 10% tiền mặt 15% cổ phiếu. HDBank là ngân hàng có truyền thống chia cổ tức cao đều đặn hàng năm và chính sách này đã kéo dài suốt một thập kỷ vừa qua.
Tại cuộc họp cổ đông thường niên ngày 29/3 vừa qua, Nam A Bank cũng đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu để chia cổ tức với tỷ lệ 25%. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng thêm 2.654 tỷ đồng.
Trong năm 2024, MB dự kiến sử dụng 10.613 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2023 để chia cổ tức cho cổ đông, với hai cấu phần, tổng tỷ lệ 20%.
Thứ nhất, MB sẽ dành 2.653 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5%. Thời gian chia cổ tức bằng tiền mặt hiện vẫn chưa được công bố.
Thứ hai, MB cũng dành 7.959 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%, giúp vốn điều lệ tăng thêm tương ứng. Thời gian thực hiện kế hoạch trên là trong năm 2024, theo chấp thuận của cơ quan chức năng.
Có cùng tỷ lệ là 20%, song OCB dự kiến sẻ trả toàn bộ cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 4.168 tỷ đồng trong năm 2024.
SeABank cũng sẽ phát hành 329 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 (tương đương tỷ lệ 13,18%) và phát hành 10,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (tương đương tỷ lệ 0,41%). Theo đó, vốn điều lệ sẽ tăng thêm 3.393 tỷ đồng lên 28.350 tỷ đồng.
Trong khi đó, VPBank dự kiến sẽ toàn bộ cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt. Theo đó, ban lãnh đạo ngân hàng này đệ trình kế hoạch sử dụng 7.934 tỷ đồng lợi nhuận năm 2023 để chia cổ tức bằng tiền mặt, tương ứng tỷ lệ 10%. Thời gian thực hiện trả cổ tức là quý II và quý III năm 2024. Thời gian cụ thể sẽ do Hội đồng quản trị quyết định, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và các điều kiện thực tế của ngân hàng.
Tại đại hội cổ đông năm nay, Ban lãnh đạo Eximbank đề xuất dùng 1.741 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 10%, thông qua hai hình thức là cổ phiếu (7%) và tiền mặt (3%).
Về phương án chia cổ tức bằng tiền mặt, số tiền mà ngân hàng dự kiến chi ra là 522 tỷ đồng. Nếu được cổ đông thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên Eximbank trả cổ tức bằng tiền mặt sau 10 năm. Lần gần nhất nhà băng này trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông diễn ra vào năm 2014 với tỷ lệ 4%.
Với phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, ngân hàng dự kiến phát hành thêm 121,9 triệu cổ phiếu mới, tương ứng vốn điều lệ tăng thêm 1.219 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ đạt 18.688 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành là trong năm 2024.
Bên cạnh các ngân hàng nêu trên, một số nhà băng chưa công bố hoặc không có kế hoạch trả cổ tức trong năm nay là Vietcombank, VietinBank, BIDV, TPBank, LPBank, ABBank, Sacombank.