Cụ thể, sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; tăng khả năng tiếp cận và ưu tiên tín dụng cho sản xuất kinh doanh, các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả, nhất là trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán.
Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ yêu cầu thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành công nghiệp chủ lực; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ; chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng (điện, xăng dầu); triển khai hiệu quả Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao; tập trung tháo gỡ thẻ vàng EU; đẩy mạnh xúc tiến, thu hút du lịch.
Để thực sự đồng hành với người dân, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các Bộ, ngành địa phương cần rà soát, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Bên cạnh đó, đặc biệt tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Thời gian tới, các chính sách ưu đãi về miễn, giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất… cần tiếp tục được thực hiện hiệu quả; tiếp tục rà soát, đề xuất các chính sách ưu đãi mới (trong đó tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng – VAT để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh).
“Sẽ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi, ba Chương trình mục tiêu Quốc gia (phấn đấu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn năm 2023); tích cực phục hồi, phát triển các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, kinh tế xã hội trong tháng 10/2023 và 10 tháng năm nay tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước và đạt kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Trong tháng 10/2023 là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) tiếp tục được kiểm soát tốt.
Tình hình lạm phát trong nước tiếp tục được kiểm soát tốt, trong bối cảnh lạm phát thế giới neo ở mức cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng năm nay tăng 3,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra (khoảng 4,5%), tạo dư địa cho các chính sách tiền tệ, tài khoá thúc đẩy tăng trưởng và điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định, trong đó mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022.
“An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và 34,9% về giá trị so với cùng kỳ). Thị trường lao động phục hồi, cân đối cung cầu lao động được bảo đảm. Thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) trong 10 tháng năm nay đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng, bằng 86,3% dự toán, trong khi miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất 163,8 nghìn tỷ đồng (trong đó, miễn, giảm khoảng 57,3 nghìn tỷ đồng)”, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh.
Trong tháng 10/2023, tình hình xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại và là điểm sáng. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu tháng 10/2023 tăng 5,9% và nhập khẩu tăng 5,2%; trong đó, xuất nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh. Tính chung 10 tháng năm nay, xuất siêu 24,61 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 9,56 tỷ USD).
Điểm sáng nữa là lĩnh vực nông nghiệp phát triển ổn định. Xuất khẩu nông sản trong 10 tháng năm nay đạt 43,08 tỷ USD; trong đó rau quả đạt trên 4,9 tỷ USD, tăng 78,9%. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi tích cực, trong điều kiện tổng cầu thế giới suy giảm, các chuỗi cũng ưng đứt gãy cục bộ; chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10/2023 ước tăng 5,5% so với tháng 9 và tăng 4,1% so với cùng kỳ; tính chung 10 tháng tăng 0,5%.
Hoạt động thương mại dịch vụ diễn ra sôi động, duy trì mức tăng khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng tăng 9,4% so với cùng kỳ. Khách quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng đạt gần 10 triệu lượt, gấp 4,2 lần cùng kỳ, vượt xa mục tiêu 8 triệu lượt khách của năm 2023.
Theo người phát ngôn của Chính phủ, đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng năm nay đạt gần 402 nghìn tỷ đồng, bằng 56,74% kế hoạch, tăng 5,5% so với cùng kỳ, số tuyệt đối tăng khoảng 104 nghìn tỷ đồng.
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ; tổng vốn FDI thực hiện tiếp tục đà tăng, 10 tháng đạt 18 tỷ USD, tăng 2,4%. Nhiều công ty, tập đoàn lớn, công nghệ cao đến Việt Nam và cam kết đầu tư. Trong tháng 10/2023 đã ký hợp đồng triển khai Chuỗi dự án khí điện Lô B với quy mô đầu tư 12 tỷ USD.
Tình hình phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực. Tính chung 10 tháng năm nay, có 183,6 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 146,6 nghìn doanh nghiệp). Thủ tục hành chính được tập trung cắt giảm, đơn giản hóa, phân cấp giải quyết; chuyển đổi số quốc gia, Đề án 06, cung cấp dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh.