Lúc 10 giờ ngày 3-1, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào 72,5 triệu đồng/lượng, bán ra 75,5 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng mỗi lượng so với cuối ngày hôm qua.
Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) giao dịch vàng miếng SJC ở mức cao hơn 73 triệu đồng/lượng mua vào, 76 triệu đồng/lượng bán ra.
Biên độ chênh lệch giá mua – vào bán ra được duy trì ở mức cao, 3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 62 triệu đồng/lượng mua vào, 63,05 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 150.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Giá vàng trong nước những ngày qua chủ yếu biến động đối với vàng SJC, trong khi giá vàng nhẫn, vàng trang sức biến động với biên độ hẹp hơn.
Theo một số doanh nghiệp, do giá vàng SJC biến động mạnh với biên độ vài triệu đồng/ngày, đã kích thích nhu cầu mua bán trong ngắn hạn để ăn chênh lệch. Chủ một tiệm vàng ở TP HCM cho biết như ngày ngày 2-1, giá vàng SJC tăng từ 74 triệu đồng lên tới 76 triệu đồng đã kích thích nhu cầu bán ra vàng miếng.
“Những người mua vàng SJC ở vùng giá 72, 73 triệu đồng/lượng đã bán ra để chốt lời khi giá vàng tăng trở lại lên 75, 76 triệu đồng/lượng. Việc giá vàng SJC biến động mỗi ngày hàng triệu đồng đã kích thích nhu cầu lướt sóng ngắn hạn” – chủ tiệm vàng này nhận định.
Dù vậy, các chuyên gia khuyến cáo lướt sóng vàng thời điểm này khá rủi ro, nhất là trong bối cảnh biên độ chênh lệch giá mua vào – bán ra được doanh nghiệp giữ ở mức 3 triệu đồng.
Chủ yếu biến động về giá vàng
Theo một số doanh nghiệp, thị trường vàng những ngày qua chủ yếu biến động về giá, nhu cầu giao dịch không lớn. Đặc biệt, sau công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các giải pháp quản lý thị trường vàng trong đó có nội dung “xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân… gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng”, thị trường chuyển sang trạng thái nghe ngóng, trầm lắng.