Các mã tăng mạnh nhất đều là các cổ phiếu nhỏ giao dịch trên UPCoM. Trong đó, PGB của PG Bank tăng mạnh nhất (+9,9%). Trong tuần qua, cổ phiếu PGB có một phiên tăng kịch trần 14,5% vào ngày 20/12, đồng thời thanh khoản tăng đột biến.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho PG Bank đổi tên thương mại từ “Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex” thành “Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển”. Được biết lý do việc đổi tên là bởi tên cũ gắn với cổ đông lớn trước đây là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex. Hiện nay, Petrolimex đã thoái vốn tại PGBank và Petrolimex đã yêu cầu PGBank chấm dứt sử dụng các nhãn hiệu thuộc sở hữu của Petrolimex trước ngày 31/12/2023. Do đó, việc thay đổi tên thương mại và bộ nhận diện thương hiệu mới của PGBank là cần thiết để phù hợp với tình hình hiện tại và định hướng tái cấu trúc của ngân hàng.
Cổ phiếu tăng mạnh tiếp theo là NAB của Nam A Bank (+6,9%). Cổ phiếu ngân hàng này tăng mạnh trong bối cảnh Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM đã có văn bản chấp thuận cho NAB niêm yết trên HoSE. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu NAB là một trong những mã ngân hàng tăng mạnh nhất, với mức tăng gấp 2,5 lần.
Hai cổ phiếu khác giao dịch trên UPCoM là VAB của VietABank và ABB của ABBank cũng tăng 6,1% và 2,6% trong tuần qua. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu lớn cũng diễn biến tích cực như BID (+2,3%), ACB (+2%), MBB (+1,4%),…
Chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong tuần vừa rồi. Trong đó, VPB của VPBank giảm mạnh nhất (-2,9%) và đóng cửa tuần còn 18.150 đồng/cp. Các mã khác cũng giảm như OCB (-2,2%), VCB (-1,6%),…
Khối ngoại có động thái bán mạnh cổ phiếu ngân hàng, trong đó STB của Sacombank bị bán ròng 221 tỷ đồng, tiếp đến VPB cũng ghi nhận giá trị bán ròng 133 tỷ đồng,…Ngược lại, BID là mã hiếm hoi trong nhóm ngân hàng được mua ròng 17 tỷ đồng.
Một số mã như MBB, HDB ghi nhận giao dịch trao tay trong khối ngoại với giá trị lớn. Chẳng hạn như MBB, nhà đầu tư nước ngoài trao tay nhau hơn 450 tỷ đồng cổ phiếu này trong phiên 18/12 và gần 170 tỷ đồng trong phiên 20/12. Còn với HDB, nhà đầu tư nước ngoài trao tay hơn 1.000 tỷ đồng cổ phiếu này trong phiên 18/12 và 20/12 và giao dịch chủ yếu được thực hiện theo phương thức thoả thuận.
Thanh khoản khớp lệnh toàn ngành trong tuần đạt gần 10.000 tỷ đồng, tương đương bình quân 2.000 tỷ đồng/phiên, là mức thanh khoản ở mặt bằng thấp.
Trong tuần qua đã có ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh năm 2023 là Sacombank. Nhà băng này cho biết, tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản ước đạt gần 664.000 tỷ đồng, trong đó tài sản có sinh lời chiếm 90,3%. Tổng huy động vốn ước đạt hơn 574 nghìn tỷ đồng; cho vay ước đạt hơn 487 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 của Sacombank ước đạt hơn 9.500 tỷ, tăng 50% so năm trước và đạt 100% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2%.