Với 6 tiêu chí được xây dựng và chấm điểm liên quan đến hiệu quả của bảng cân đối kế toán, bao gồm: Quy mô tài sản, tốc độ tăng trưởng, quản trị rủi ro, khả năng sinh lời, chất lượng tài sản và tính thanh khoản, với 14 yếu tố cụ thể, bảng xếp hạng 500 ngân hàng mạnh nhất Châu Á – Thái Bình Dương (Asian Banker 500) là bảng xếp hạng uy tín trên thế giới được xét duyệt tại nhiều quốc gia, khu vực với điểm số chi tiết và minh bạch. Bảng xếp hạng được nhiều nhà đầu tư, nhà phân tích và giới truyền thông theo dõi, đây cũng là nguồn thông tin hàng đầu để đánh giá sức mạnh tài chính của các ngân hàng và các tổ chức tài chính công ty mẹ.
Năm nay, mặc dù thị trường còn nhiều biến động và thách thức, tuy nhiên, OCB vẫn giữ vững thành tích về tất cả các chỉ số trong tiêu chí đánh giá. Cụ thể, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 3.915 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 47,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến 30/9/2023, tổng tài sản của ngân hàng đạt 216.755 tỷ đồng, tăng 11,7% so với đầu năm.
Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt khi hệ số CIR của OCB ghi nhận mức giảm so với cùng kỳ 2022 từ 39,4% xuống còn 32,1%. Các chỉ số liên quan về quản trị rủi ro như hệ số an toàn vốn (CAR), hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, hệ số cho vay trên huy động (LDR), tỷ lệ nợ xấu, luôn được OCB duy trì ở mức an toàn và đáp ứng theo quy định của NHNN. Chỉ số thanh khoản ổn định, đệm tài sản thanh khoản đầy đủ.
Vào tháng 4/2023, OCB đã hoàn thành triển khai và áp dụng nền tảng tính vốn điện toán đám mây theo Basel II Nâng cao, trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam hoàn thành tất cả các yêu cầu tiên tiến của Basel trong chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế. Được biết trước đó, trong năm 2022, ngân hàng cũng đã công bố thực hiện xong Basel III ILAAP của ngân hàng Trung ương châu Âu và quản lý rủi ro thị trường theo phương pháp mô hình nội bộ IMA. Việc hoàn thành và áp dụng các nền tảng theo Basel không chỉ giúp OCB nâng cao năng lực quản trị rủi ro tín dụng mà còn đảm bảo việc đo lường rủi ro và tỉ lệ an toàn vốn chính xác, từ đó tăng cường sức mạnh và khả năng chống chịu trước các biến động kinh tế vĩ mô có thể xảy ra, góp phần mang đến những kết quả tích cực trong kinh doanh.
Đặc biệt, là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng ổn định, bền vững và hiệu quả với kim chỉ nam trong hoạt động kinh doanh: minh bạch và tuân thủ các quy định pháp luật, OCB liên tiếp 2 năm liền nằm trong Top 30 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam.
Bên cạnh việc duy trì kết quả kinh doanh tích cực, OCB còn là một trong những nhà băng tiên phong trong hoạt động đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng khách hàng. Với sự trợ lực từ các định chế tài chính quốc tế như Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Ngân hàng Tái thiết KFW của Đức (DEG), ngân hàng đã triển khai hàng loạt các chương trình giảm lãi suất, sản phẩm ưu đãi riêng biệt cho từng ngành nghề.
Vừa qua, OCB đã được NHNN cấp phép thành lập thêm 17 Chi nhánh, PGD, dự kiến sẽ hoàn tất xây dựng và đưa vào hoạt động trong nửa đầu năm 2024, nâng tổng điểm giao dịch lên 172 tại 48 tỉnh thành trọng điểm trên toàn quốc, tạo điều kiện giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính tối ưu từ ngân hàng.