Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán MBB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023 và 3 quý đầu năm.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MB đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, riêng ngân hàng báo lãi 18.866 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Với kết quả này, MB đang vươn lên đứng đầu nhóm ngân hàng thương mại cổ phần về lợi nhuận, và xét trong toàn hệ thống thì tạm thời chỉ đứng sau Vietcombank.
Nhà băng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng tích cực với tổng dư nợ toàn tập đoàn đạt gần 577.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng 13,7% so với năm 2022. Đây cũng là mức tăng trưởng cao hơn so với mức bình quân của toàn ngành ngân hàng. Bên cạnh đó, quy mô tiền gửi khách hàng của MB cũng tăng trưởng 8,1% so với năm trước, đạt 479.733 tỷ đồng.
Biên lãi ròng (NIM) riêng ngân hàng giảm nhẹ 0,08% so với cùng kỳ năm 2022. Đại diện MB cho biết điều này đến từ việc MB tập trung giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, phù hợp với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức, ngay từ đầu năm, MB đã tập trung vào việc đảm bảo các chỉ số an toàn, tối ưu hiệu quả hoạt động cũng như quản trị chi phí. Ngoài việc nâng cao trải nghiệm sử dụng dịch vụ của khách hàng, quá trình số hóa đã và đang giúp MB giảm đáng kể chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý rủi ro tốt hơn đúng theo chuẩn quốc tế của ESG. Nhờ đó, tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) toàn tập đoàn được cải thiện đáng kể, tối ưu thêm 2% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, CIR riêng ngân hàng giảm xuống còn 28,5%.
Kết quả trên cho thấy MB duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực, quản lý hiệu quả chi phí hoạt động. Song song đó ngân hàng tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu trong cuộc đua chuyển đổi số ngành ngân hàng. Từ đầu năm tới nay, tổng số khách hàng MB phục vụ tăng thêm 4 triệu, hiện MB đã chạm mốc 25 triệu khách hàng. Nhà băng này đặt mục tiêu chinh phục mục tiêu 30 triệu khách hàng trước thềm kỷ niệm sinh nhật MB tròn 30 tuổi vào năm 2024.
“Với chúng tôi, định nghĩa về MB giờ không chỉ đơn thuần chỉ là một ngân hàng mà MB muốn trở thành doanh nghiệp số” là lời khẳng định của ông Lưu Trung Thái – Chủ tịch HĐQT MB tại diễn đàn do Forbes tổ chức mới đây. Quyết tâm đó của MB thể hiện rõ ở chiến lược đầu tư vào công nghệ và nền tảng của ngân hàng cũng như những sản phẩm số khác biệt MB mang ra thị trường.
MB duy trì phát triển hệ sinh thái số trên hai nền tảng App MBBank (khách hàng cá nhân) và BIZ MBBank (khách hàng doanh nghiệp). Tính đến hết tháng 9/2023, MB ghi nhận 1,5 tỷ giao dịch trên kênh số, với giá trị giao dịch, đạt 7 triệu tỷ đồng. Quy mô giao dịch trên nền tảng số duy trì ở mức cao 96%, tương đương các ngân hàng top đầu châu Á. Đồng thời, MB là ngân hàng góp mặt trong top đầu ứng dụng sở hữu hơn 10 triệu tài khoản đang hoạt động tại Việt Nam.
Cũng theo người đứng đầu MB, ngân hàng có khả năng bắt tay với hơn 200 đối tác qua mô hình mini-app, cung cấp trực tiếp dịch vụ cho 25 triệu khách hàng. Đây được đánh giá là mô hình hữu ích và thân thiện với cả người dùng lẫn các doanh nghiệp và đối tác công nghệ.
Trong 3 tháng cuối năm cũng như những năm tiếp theo, MB sẽ tiếp tục đầu tư bài bản và mạnh mẽ cho chuyển đổi số, liên tục phát triển và tinh chỉnh các nền tảng số chủ lực nhằm mang đến trải nghiệm thuận tiện nhất cho khách hàng. “Chúng tôi xác định các nền tảng số sẽ đóng góp khoảng 50% doanh thu cho ngân hàng trong vòng 4 năm nữa”, ông Lưu Trung Thái – Chủ tịch HĐQT MB chia sẻ.
Liên quan tới hoạt động 9 tháng đầu năm, MB cũng đã hoàn thành việc trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% và chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15% trong quý 3 theo đúng nghị quyết được cổ đông thông qua.
Ngoài ra, phương án tăng vốn điều lệ được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vẫn đang được MB tích cực triển khai. Cụ thể, tổng vốn điều lệ dự kiến tăng trong năm 2023 từ 45.340 tỷ đồng (ngày 31/12/2022) lên mức 52.141 tỷ đồng. Số vốn tăng thêm sẽ chủ yếu được sử dụng cho đầu tư tăng năng lực, bao gồm đầu tư hệ thống, giải pháp công nghệ, đầu tư trụ sở tại khu vực TP.Hồ Chí Minh và địa bàn trọng điểm…, đồng thời bổ sung vốn đầu tư kinh doanh.