Sacombank: NIM dự báo cải thiện và có thể được tăng vốn sau khi tái cơ cấu thành công
Theo Moody’s, Sacombank có mức độ tập trung tiền gửi ở mức thấp do phần lớn tiền gửi là từ cá nhân. Đồng thời, mạng lưới huy động vững mạnh thông qua hệ thống chi nhánh rộng lớn giúp Sacombank thu hút tiền gửi mới với chi phí huy động thấp hơn so với một số ngân hàng cùng hạng khác. Tỷ trọng nguồn vốn liên ngân hàng trong tổng tài sản đạt 7,7% tại cuối tháng 6/2023, thuộc nhóm thấp nhất so với các ngân hàng cùng hạng.
Tài sản có vấn đề tồn đọng của Ngân hàng chỉ còn chiếm 2,2% tổng tài sản tại cuối năm 2023 (từ mức 2,7% của năm trước), sau khi tính cả các khoản dự phòng. Ngân hàng hoàn toàn có khả năng kiểm soát tốt khoản dự phòng có thể cần trích lập thêm cho những tài sản này.
Bất chấp chi phí tín dụng cao của ngân hàng trong 12 – 18 tháng tới do yêu cầu dự phòng, Moody’s dự đoán tỷ suất lợi nhuận trên tài sản của ngân hàng (ROA) sẽ duy trì ở mức khoảng 1% khi khả năng sinh lời của ngân hàng sẽ được hỗ trợ bởi tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) cao hơn. Trước đó, tỷ lệ ROA của Sacombank đạt 1,1% vào năm 2023, cao hơn mức 0,9% mà nó ghi nhận vào năm 2022.
Theo Moody’s, tỷ lệ nợ xấu (NPL) gộp của Sacombank đã tăng lên 2,3% vào cuối tháng 12/2023 từ mức 1% ghi nhận trước đó một năm, do tỷ lệ khách hàng cá nhân không trả được nợ quá hạn ngày càng tăng. Trong khi đó, việc tăng cường đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và xây dựng trong bối cảnh lĩnh vực này còn gặp nhiều thách thức sẽ gây ra rủi ro về chất lượng tài sản.
Dù vậy, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của Sacombank sẽ vẫn ổn định trong 12-18 tháng tới do tốc độ tăng của vốn tự có theo kịp tốc độ tiêu thụ vốn. Bên cạnh đó, Moody’s cũng kỳ vọng Sacombank sẽ được phép phát hành cổ phiếu tăng vốn sau khi hoàn thành Đề án tái cơ cấu, điều này cũng sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng tín dụng của Sacombank.
Techcombank hưởng lợi từ sự hồi phục của thị trường bất động sản
Moody’s cho rằng, rủi ro tín dụng của Techcombank liên quan đến các khoản cho vay bất động sản sẽ được ổn định trong thời gian 12-18 tháng tới. Hiện giao dịch bất đông sản tại Việt Nam đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc với nguồn cung ra thị trường được dự kiến sẽ tăng lên, hỗ trợ bởi lãi suất đã giảm mạnh 200-300 điểm cơ bản trong thời gian gần đây. Sự phục hồi của nền kinh tế, cộng với các chính sách tích cực, kịp thời sẽ góp phần cho sự phục hồi mạnh hơn của thị trường bất động sản trong thời gian sắp tới.
Moody’s đánh giá rằng Techcombank sẽ hưởng lợi từ sự phục hồi của thị trường bất động sản khi các giao dịch mua bán nhà tăng lên, góp phần gia tăng (về cả tuyệt đối và tỷ trọng) của cho vay mua nhà cá nhân (so với cho vay bất động sản chung), đặc biệt nhờ vào việc Ngân hàng chú trọng cho vay các chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản có chất lượng tốt hơn so với mặt bằng chung của thị trường.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao, và khả năng hoạt động hiệu quả (bao gồm khả năng sinh lời) cũng là một yếu tố quan trọng trong đánh giá của Moody’s. Tỷ lệ CAR (vốn cấp 1) của Techcombank ở mức 14,4% vào cuối năm 2023 và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản 2,4% đều cao hơn nhiều so với trung bình ngành (ROA ngành trong cùng giai đoạn đạt khoảng 1,4%).
Moody’s kỳ vọng dư nợ của Techcombank sẽ tăng khoảng 20%, và biên lợi nhuận (NIM) cũng sẽ được cải thiện trong 12-15 tháng tới nhờ vào chi phí huy động giảm mạnh.
Tuy nhiên, Mooyd’s cũng đánh giá, chi phí tín dụng và khả năng sinh lời (lợi nhuận) có thể bị ảnh hưởng do rủi ro liên quan đến dư nợ cho vay nếu thị trường bất động sản gặp khó. Tỷ trọng cho vay bất động sản đã tăng lên 34% tổng dư nợ vào cuối năm 2023 từ mức 26% một năm trước đó.
Nguồn vốn và thanh khoản của Techcombank được Mooyd’s đánh giá sẽ tiếp tục ổn định. Tăng trưởng tiền gửi cải thiện trong năm 2023, với tỷ lệ CASA cải thiện tới 40% – mức cao nhất trong các ngân hàng Việt Nam mà Moody’s xếp hạng tín nhiệm, giúp giảm tỷ lệ cho vay trên tiền gửi xuống 114 % vào cuối tháng 12 năm 2023 từ mức 122% vào tháng 6 năm 2023.