Lãi suất huy động giảm sâu, bất động sản tiếp tục đóng băng, giá vàng cao ngất ngưởng, trong khi thị trường chứng khoán chưa tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm” khiến nhà đầu tư đang loay hoay tìm kiếm kênh đầu tư mới.
Chưa khi nào lãi suất huy động giảm đến thế
Trái ngược với thị trường vàng đang có những biến động tăng, giảm liên tục trong thời gian gần đây, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn lại có chiều hướng đi xuống. Nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất về mức chạm đáy, thấp nhất từ trước đến nay.
Trong đó, Vietcombank là ngân hàng có mức điều chỉnh lãi suất lớn nhất trên thị trường. Cụ thể, trong tháng 11, ngân hàng này đã thực hiện 3 phiên điều chỉnh giảm lãi suất huy động.
Sau các phiên điều chỉnh, lãi suất gửi kỳ hạn 1 tháng của Vietcombank đang duy trì ở mức 2,4%, kỳ hạn 3 tháng xuống 2,7%/năm mức thấp nhất hệ thống.
Và trong tháng 12, Vietcombank tiếp tục giảm 0,2 điểm phần trăm cho các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 – 2 tháng xuống mức 2,2%/năm; lãi suất kỳ hạn 3 tháng còn 2,5%/năm. Kỳ hạn trên 12 tháng được giữ nguyên ở mức 4,8%/năm, đây là mức lãi cao nhất hiện nay tại Vietcombank.
Trong khi đó, đầu năm 2023, Vietcombank công bố tiền gửi tại kỳ hạn 1 – 2 tháng là 4,9%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 5,4%/năm. Khách hàng tham gia gửi tiết kiệm tại kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng cùng được hưởng lãi suất không đổi là 6%/năm và 7,4%/năm là lãi suất áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng đến 60 tháng.
Như vậy so với đầu năm, các khoản lãi suất tiền gửi ở hầu hết các kỳ hạn thời điểm này đều giảm hơn một nửa so với thời điểm đầu năm, giảm nhiều nhất ở phân khúc tiền gửi ngắn hạn dưới 6 tháng.
Giảm lãi suất huy động cũng là xu hướng chung của hầu hết các ngân hàng. Trên thị trường, các ngân hàng thương mại nhà nước đang có mức lãi suất huy động thấp nhất. Hiện, BIDV, VietinBank, Agribank chỉ áp dụng mức lãi suất 5%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Cụ thể trong tháng 12 này, BIDV đã tiến hành giảm 0,4 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1-2 tháng so với tháng trước và duy trì lãi suất ở mức 2,7%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm còn 3,1%/năm và 4,1%/năm là lãi suất ở kỳ hạn 6-11 tháng.
VietinBank cũng niêm yết tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 1-2 tháng là 2,6%/năm và 5%/năm là lãi suất kỳ hạn 12 tháng. Với Agribank trong tháng 12 này, lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn từ 1-12 tháng đều được đưa về dưới mức 5%/năm và 5%/năm là con số cao nhất cho kỳ hạn 12 – 18 tháng.
Cá biệt một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lãi suất kỳ hạn 12 tháng xuống dưới 5%.
Các chuyên gia cho rằng, lãi suất huy động giảm kỷ lục phản ánh thực tế các ngân hàng đang thừa tiền, khó cho vay, còn doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, chưa có đơn hàng nên không có nhu cầu vay vốn.
Chọn kênh đầu tư nào
Trước việc hàng loạt ngân hàng hạ trần lãi suất huy động, nhiều người đang loay hoay lựa chọn kênh đầu tư phù hợp, nhất là vào thời điểm cận Tết Nguyên đán đang đến gần.
Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ đại lý kinh doanh hoa quả ở đường Nguyễn Xiển (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, thời gian trước, khi lãi suất huy động cao, gia đình có gom một khoản tiền gửi ngân hàng để có nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, hiện nay lãi suất huy động giảm xuống quá thấp, gia đình chị Thảo muốn rút về để lựa chọn kênh đầu tư khác cho hiệu quả hơn.
Chị Thảo cho biết, tìm hiểu thị trường bất động sản thời gian qua thì việc đầu tư cũng không thực sự mang lại hiệu quả vì đất đai gần như không có giao dịch. Trong khi chứng khoán thì bản thân chị không quan tâm, giá vàng hiện nay quá cao và sẽ có dấu hiệu chững lại hoặc giảm chứ không thể cao hơn được nữa.
“Do vậy, rất có thể gia đình tôi sẽ rút tiền về để mở rộng kinh doanh, phục vụ nhu cầu mua sắm thực phẩm, hoa quả của người tiêu dùng Thủ đô vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán”, chị Thảo nói.
Trả lời VTC News, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, thời điểm trước, lãi suất và chứng khoán được đánh giá là ngược chiều nhau khi lãi suất tăng, chứng khoán giảm và ngược lại.
“Tuy nhiên, giai đoạn hiện tại lãi suất liên tục xuống thấp nhưng chứng khoán vẫn không đột biến. Dù có lúc VN-Index ghi nhận mức tăng hơn 20%, dòng tiền vẫn khá thận trọng”, ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, diễn biến vĩ mô còn nhiều yếu tố khó lường, cùng bài học từ nhịp giảm sâu của thị trường nửa cuối năm 2022 với nhiều điểm tương đồng bối cảnh hiện nay, khiến nhà đầu tư không còn đầu tư tất cả vào một kênh có mức độ rủi ro cao như chứng khoán.
“Hiện nay nhà đầu tư, người dân có tiền không nên đầu tư vào bất động sản, vì thị này được dự báo vẫn tiếp tục còn đóng băng ít nhất đến hết năm 2024 và có xu hướng tiếp tục giảm. Trong khi đó, giá vàng hiện quá cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro bất định”, ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, hiện nay để trở thành nhà đầu tư thông minh nhất ở thời điểm này, chúng ta nên lựa chọn vào kênh sản xuất, kinh doanh, dù không mang lại hiệu quả cao nhưng khá tích cực.
“Thời điểm này đến hết tháng 2/2024 nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Do vậy, kênh lựa chọn đầu tư sáng nhất chính là sản xuất, kinh doanh, trong đó có kênh thực phẩm, nông sản, hàng may mặc, giày da”, ông Minh nói.
Phân tích thêm về nội dung này, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, mặt bằng lãi suất chung, lãi suất các kỳ hạn 1-3 tháng mặc dù về mức dưới 3%/năm nhưng ở các kỳ hạn 12 tháng hoặc dài hơn vẫn ở mức trên 5%/năm, vẫn nằm ở mức thực dương.
Lãi suất thực dương là mức lãi suất đủ bù đắp sự mất giá của đồng tiền và có lãi thực ở một mức độ nào đó. Nói khác đi, lãi suất tiền gửi ngân hàng phải lớn hơn tỷ lệ lạm phát.
Vị chuyên gia này cho rằng chính sách lãi suất thực dương sẽ làm tăng tính hấp dẫn của kênh tiết kiệm so với đầu tư vào vàng, ngoại tệ, bất động sản… Nếu xét về lạm phát thì lãi suất ngân hàng không còn nhiều hấp dẫn.
“Do vậy, nhà đầu tư nên chọn kênh đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, nhất là lựa chọn những mặt hàng nông sản, thực phẩm, bánh mứt kẹo phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân cũng như nhu cầu thiết yếu vào dịp cuối năm, dịp Tết”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.