Ông Đỗ Minh Phú: 14 triệu khách hàng là con số rất lớn, làm nền tảng vững chắc cho TPBank
Tại Đại hội, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết, TPBank vẫn đang duy trì vị thế dẫn đầu ngân hàng số, nằm trong nhóm các ngân hàng ngày càng lớn mạnh. Năm 2024, TPBank đã có nhiều chỉ tiêu tăng trưởng tích cực, với lợi nhuận tăng 36%.
“Năm 2012 khi chúng ta bắt đầu tái cơ cấu, TPBank chỉ có 55 nghìn khách hàng. Còn hiện nay, ngân hàng đã có 14 triệu khách hàng, một con số rất lớn, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai”, ông nói.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tăng mạnh, nằm top 5 ngân hàng tốt nhất về CAR. Các hoạt động ngày càng hiệu quả, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm từ 41% xuống còn 35% là một nỗ lực rất lớn, không ngừng của toàn thể cán bộ, nhân viên TPBank. Ngân hàng cũng đang ngày càng phát triển theo hướng minh bạch, hiệu quả.
Công tác kiểm soát rủi ro được chú trọng và thực hiện tốt nhất. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp chỉ 1,12%. Ông Phú nói TPBank chủ động xử lý các khoản nợ xấu tiềm ẩn, riêng 2024 đã xử lý khoảng 3.700 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT TPBank – ông Đỗ Minh Phú
Chủ tịch TPBank nhấn mạnh, năm 2025 sẽ là một năm đầy thách thức, khi thế giới đang chứng kiến sự đối đầu về thương mại giữa các quốc gia. “Những cuộc chiến thương mại kéo theo nhiều hệ lụy sâu rộng. Không phải ngẫu nhiên mà giá vàng đã vượt qua mức cao nhất mọi thời đại”, ông nói.
“Vấn đề đặt ra là: làm thế nào để vượt qua những thách thức đó? Thách thức đối với Việt Nam là lớn, và với ngành ngân hàng hay TPBank cũng không phải ngoại lệ. Chúng ta cần phải nhận diện rõ ràng ngay từ sớm”.
Ông Phú cho biết, ngay từ đầu năm, TPBank đã đặt mục tiêu đổi mới toàn diện về tổ chức, quy trình. Ngay cả lĩnh vực nền tảng đã rất thắng lợi của TPBank là ngân hàng số cũng cần tiếp tục đổi mới để thích ứng và vươn lên trong bối cảnh đầy biến động.
Mục tiêu lợi nhuận 9.000 tỷ đồng, tăng 18,4%
Năm 2025, TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm 2024. Tổng tài sản năm 2025 dự kiến đạt 450 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6%. Huy động vốn dự kiến tăng 12,3% lên 420 nghìn tỷ đồng. Dư nợ cho vay và trái phiếu tổ chức kinh tế tăng khoảng 20% lên 313.750 tỷ đồng. TPBank cũng cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chính thức sẽ thực hiện theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước theo từng thời kỳ.
Trước đó, năm 2024, TPBank đạt lợi nhuận trước thuế 7.599 tỷ đồng, hoàn thành 101,33% kế hoạch ĐHĐCĐ giao.
Theo báo cáo của Ban Điều hành, năm 2025, TPBank sẽ thay đổi về cơ cấu tổ chức, giải thể Khối Xử lý và thu hồi nợ sát nhập vào Khối Pháp chế và Khối Giám sát tín dụng và phân luồng xử lý nợ. Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ tinh giảm đầu mối nhân sự các cấp trung gian, nâng cao năng suất, tối ưu định biên tăng cường lực lượng bán hàng và giảm nhân sự gián tiếp nhờ ứng dụng công nghệ và cải tiến quy trình.
Ngân hàng này cũng cho biết sẽ tiếp tục kiểm soát định biên nhân sự toàn hàng, tập trung uu tiên cho các đơn vị kinh doanh và các dự án trọng điểm; rà soát các đơn vị có năng suất thấp, xử lý các nhân sự yếu kém; tăng cường công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và văn hóa kỷ luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ/chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo; nâng cao năng suất lao động và chất lượng ứng viên đầu vào.

Các cổ đông làm thủ tục tham dự đại hội
Dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 15%
Tại Đại hội, HĐQT trình ĐHĐCĐ kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt 2025 sau khi xét thấy hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ổn định, có bề dày phát triển an toàn, lành mạnh cũng như để gia tăng lợi ích cho các cổ đông đã đồng hành cùng Ngân hàng thời gian qua.
TPBank đề xuất chia cổ tức 10% bằng tiền mặt (01 cổ phiếu nhận được 1.000 đồng) từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2024, theo BCTC hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán của Ngân hàng. Sau khi được ĐHĐCĐ phê duyệt, HĐQT sẽ quyết định thời gian thực hiện cụ thể, đảm bảo phù hợp với quy định.
Bên cạnh tiền mặt, HĐQT cũng đề xuất phát hành tối đa hơn 132 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 5% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền sẽ được nhận thêm 5 cổ phiếu mới). Nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2024, theo BCTC hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán của Ngân hàng. Sau phát hành, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng tối đa 1.320,9 tỷ đồng, từ 26.420 tỷ đồng lên hơn 27.740 tỷ đồng.
Đây sẽ là năm thứ 3 liên tiếp, TPBank thực hiện chia cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Trước đó, năm 2024, TPBank đã thực hiện chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 5%. Tổng số tiền mà ngân hàng chi ra là hơn 1.100 tỷ đồng. Ngân hàng cũng phát hành thêm 440,3 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức cho cổ đông, tăng vốn điều lệ từ 22.016 tỷ đồng lên 26.420 tỷ đồng.
HĐQT trình miễn nhiệm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 đối với ông Đỗ Anh Tú. Trước đó, ông Tú – Phó Chủ tịch HĐQT đã có đơn từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân ngày 18/3 và HĐQT đã chấp thuận vào ngày 20/3.
Mới đây, TPBank cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2025 với lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt hơn 2.100 tỷ đồng, tương đương 26% kế hoạch năm, tăng trên 15% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) tiếp tục duy trì ở mức cao 17,5%.

Phần Thảo luận
Cổ đông: Chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, FDI và ảnh hưởng gián tiếp nhiều doanh nghiệp khác. Vậy tỷ trọng doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp xuất khẩu tại TPBank hiện nay như thế nào, và TPBank có những biện pháp hỗ trợ gì cho các doanh nghiệp này?
Ông Nguyễn Hưng – Tổng Giám đốc TPBank: Thị trường xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sang Mỹ, đang gặp nhiều khó khăn do những yếu tố từ chiến tranh thương mại và thuế quan. Tổng dư nợ tín dụng của TPBank đối với các khách hàng XNK có liên quan đến thị trường xuất khẩu sang Mỹ khoảng 10.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh số từ thị trường Mỹ cũng chỉ chiếm dưới 20% của các doanh nghiệp này, vì vậy mức độ ảnh hưởng không quá lớn.
Chúng tôi đã rà soát và xem xét cẩn trọng các khoản tín dụng mới, đặc biệt là những khoản tín dụng liên quan đến xuất khẩu sang Mỹ, như nông sản và thủy sản. Thị trường Mỹ vốn đã khó khăn, ngay cả trong thời kỳ bình thường, việc xuất khẩu sang Mỹ đã rất khó. Với tình hình thuế suất cao hiện tại, việc kiếm lợi nhuận từ xuất khẩu sang Mỹ càng trở nên khó khăn hơn.
Đối với các doanh nghiệp FDI, họ chủ yếu sử dụng các dịch vụ thanh toán và thường không vay vốn. Những doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam thường vay vốn từ các ngân hàng quốc gia của họ thay vì vay tại ngân hàng trong nước.
Đối với DN XNK nếu có thì chỉ 2-3 doanh nghiệp và chúng tôi sẽ theo dõi để hỗ trợ trong trường hợp DN khó khăn khi họ muốn chuyển đổi, cơ cấu lại.
Cổ đông: Tăng trưởng tín dụng quý 1 của TPBank có động lực từ đâu?
Ông Nguyễn Hưng – Tổng Giám đốc TPBank: Kết quả kinh doanh quý 1 của ngân hàng khá khả quan, mặc dù giai đoạn này doanh nghiệp chưa kinh doanh sôi động. Năm nay, TPBank được Ngân hàng Nhà nước phân bổ hạn mức 15,85%, cao hơn mức định hướng toàn ngành. Chưa kể còn có thể có điều chỉnh, vì vậy, chúng tôi không lo lắng về việc thiếu room tín dụng trong thời gian tới.
Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trong quý 1 đạt 3,6%, so với mức trung bình toàn ngành chỉ đạt 2,5%, cho thấy mức tăng trưởng của chúng tôi cao hơn khá nhiều. Đến gần đây, tín dụng đã tăng 4,5%. Phần lớn tín dụng được giải ngân vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cho vay tiêu dùng như mua nhà, mua xe,…
Các dự án lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, hiện vẫn chưa có sự rõ ràng về triển khai phát triển, vì vậy ngân hàng vẫn duy trì sự thận trọng trong việc cho vay. Chúng tôi sẽ tiếp tục đi đúng định hướng, đảm bảo hoạt động tín dụng được thực hiện một cách an toàn và bền vững.
Cổ đông: Kế hoạch mời cổ đông chiến lược nước ngoài vào TPBank để tăng vốn?
Ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch HĐQT: TPBank đã kín room ngoại. Nếu TPBank được tăng tỷ lệ sở hữu tối đa của nước ngoài, tôi tin TPBank là ngân hàng có sức hấp dẫn với NĐT nước ngoài.
Cổ đông: Trong suốt thời gian dịch COVID-19 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hạ lãi suất điều hành để giúp doanh nghiệp và cá nhân có cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng. Vậy trong bối cảnh lãi suất giảm, TPBank có chiến lược gì để duy trì NIM (biên lãi thuần)?
Ông Nguyễn Hưng – Tổng Giám đốc: Quý vị cổ đông cũng đã biết, NHNN nhiều năm nay luôn định hướng giảm lãi suất cho vay. Vừa qua, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo không tăng lãi suất huy động. Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động cũng đã bị NHNN phê bình vì đi ngược chủ trương, bởi lãi suất huy động là cơ sở cho lãi suất cho vay. NHNN cũng đang giữ lãi suất điều hành ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng.
Hiện nay, lãi suất cho vay có xu hướng ngày càng hạ, chưa kể bên cạnh đó là các chương trình cho vay ưu đãi đối với một số ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, cho vay người trẻ mua nhà,…
Để duy trì hoặc tăng NIM, chúng tôi sẽ cố gắng cải thiện chi phí vốn, tăng CASA và có cơ cấu vốn hợp lý. Thực tế, ngân hàng phải tuân thủ rất nhiều chỉ số. Chúng ta có thể huy động vốn ngắn hạn để chi phí rẻ, nhưng còn ràng buộc tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Bộ chỉ số mà ngân hàng tuân thủ rất phức tạp. Do đó, chúng tôi sẽ cố gắng cân đối làm thế nào để hài hoà đủ hiệu quả.
(tiếp tục cập nhật)