Lấy lại đà tăng trưởng
Tờ trình Đại hội đồng cổ đông của VPBank mới đây đã công bố mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng của cả ngân hàng mẹ và các công ty con trong năm 2024. FE CREDIT, trong đó, đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 1.200 tỷ đồng với dư nợ tín dụng vượt 66,5 nghìn tỷ. Đây là kế hoạch kinh doanh được cho là khá bất ngờ và cũng phản ảnh sự tự tin của ban lãnh đạo FE CREDIT sau hai năm chịu lỗ hàng nghìn tỷ đồng.
Thành quả chuyển lỗ thành lãi trong quý cuối năm 2023 có lẽ đã trở thành tham chiếu quan trọng cho kế hoạch kinh doanh của FE CREDIT trong năm 2024, khi quyết định thừa thắng xông lên với mục tiêu đạt con số nói trên.
Tính tới cuối năm 2023, theo FE CREDIT, công ty đã giải ngân cho 15,6 triệu khách hàng, trong đó có 5,9 triệu khách hàng hiện hữu đang tiếp tục sử dụng dịch vụ tài chính của FE CREDIT. Kết quả giải ngân tăng trưởng qua từng quý, cuối quý 2, quý 3 và 4 lần lượt đạt 4%, 13% và 17%, đi kèm với chi phí rủi ro cải thiện thông qua định hướng giải ngân vào phân khúc an toàn và thúc đẩy hoạt động xử lý tín dụng.
Đi sâu vào phân tích kết quả hoạt động trong năm 2023, CTCK MBS nhận định các dấu hiệu phục hồi trở nên rõ nét tại FE CREDIT trong quý 4/2023. Công ty tài chính tiêu dùng với thị phần lớn nhất Việt Nam trong nhiều năm đã ghi nhận hơn 4,2 nghìn tỷ đồng thu nhập hoạt động, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng lại tăng 0,6% so với quý liền trước. Mức giảm này đã cải thiện đáng kể so với mức giảm 15,4% và 27,1% so với cùng kỳ trong quý 2 và quý 3/2023. Cùng với đó, chi phí hoạt động trong quý giảm 32,8% so với cùng kỳ và giảm 10,2% so với quý trước đó.
Quý 4 cũng là quý thứ 2 liên tiếp FE CREDIT ghi nhận chi phí trích lập dự phòng giảm so với cùng kỳ, từ đó cải thiện lợi nhuận trước thuế của quý cuối năm. Lũy kế cả năm 2023, lỗ trước thuế dừng tại gần 3,7 nghìn tỷ đồng, theo tài liệu công bố của ngân hàng mẹ.
“Chúng tôi cho rằng việc FE CREDIT ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế dương trong 2 quý liên tiếp và chất lượng tài sản có dấu hiệu tạo đáy cho thấy áp lực trích lập trong những quý tiếp theo sẽ giảm dần. Ngoài ra, đà giảm của tăng trưởng dư nợ cũng bắt đầu chậm lại và tạo đáy trong quý 3/2023 cũng gia tăng thêm kỳ vọng FE CREDIT có thể lấy lại đà tăng trưởng dương trong năm 2024 và đóng góp đáng kể vào khả năng sinh lợi của VPBank,” MBS nhận định trong báo cáo phát hành đầu tháng 3, đồng thời dự báo dư nợ của FE CREDIT có thể tăng 16,1% trong năm 2024.
Trước đó, trong buổi trao đổi cập nhật kết quả kinh doanh năm 2023 với nhà đầu tư hồi đầu tháng 2, lãnh đạo VPBank đã đưa ra các thông điệp khá rõ ràng về lộ trình phát triển của FE CREDIT trong năm 2024, trong đó nhấn mạnh sẽ tiếp tục tập trung cải thiện mô hình kinh doanh, kiểm soát tốt rủi ro cho khách hàng hiện hữu và khác hàng mới, tăng cường quản trị, đồng thời đẩy mạnh tự động hóa để giảm chi phí vận hành và tăng hiệu suất hoạt động.
Vị lãnh đạo này cũng tin tưởng môi trường lãi suất thấp như hiện tại sẽ giúp FE CREDIT tối ưu chi phí vốn, tối đa lợi nhuận, trên nền tảng tình hình kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực giúp kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành tài chính tiêu dùng.
Chu kỳ mới của tài chính tiêu dùng
FE CREDIT đặt ra mục tiêu tăng trưởng dương trong năm 2024 không phải không có cơ sở khi lĩnh vực tài chính tiêu dùng được dự báo sẽ tìm lại được chu kỳ tăng trưởng mới, hướng tới sự bền vững trong dài hạn.
Theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường FiinGroup, lĩnh vực tài chính tiêu dùng đã đối diện với một năm đầy thử thách khi dư nợ cho vay tiêu dùng trong năm 2023 chỉ tăng 11,3% so với năm trước – một mức tăng khiêm tốn so sánh với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đạt 25%/năm trong giai đoạn hoàng kim 2016-2019. Tuy nhiên, thị trường tài chính tiêu dùng vẫn đang có nhiều triển vọng phát triển khi quy mô tín dụng tiêu dùng chỉ mới đạt hơn 10% của GDP – kém xa các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực (như Hàn Quốc hơn 40% GDP, Hong Kong hơn 20%…).
Công ty này nhận định với triển vọng phục hồi đậm nét của nền kinh tế, năm 2024 sẽ “mở đường” cho sự phục hồi của lĩnh vực tài chính tiêu dùng dựa trên sức mua mở rộng, nhu cầu tín dụng gia tăng và thu nhập hộ gia đình cải thiện.
Với hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc trong quý 1, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) nhích nhẹ trong 2 tháng đầu năm, bán lẻ tăng khá, FiinGroup dự báo khu vực chiếm dụng nhiều lao động sẽ phục hồi, từ đó kích cầu tín dụng tiêu dùng và cải thiện chất lượng các khoản vay tại các công ty tài chính tiêu dùng.
FiinGroup cũng cho rằng năm 2024 sẽ mở ra một giai đoạn tăng trường tín dụng mới đề cao sự cẩn trọng trong hoạt động giải ngân, khi đặt trong bối cảnh môi trường kinh tế không còn ưu ái hoạt động tăng trưởng tín dụng “nóng” như thời kỳ trước đại dịch Covid-19 mà hướng tới lộ trình tăng trưởng bền vững và chắc chắn.