Đại diện các ngân hàng tham dự Hội thảo góp ý dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Theo quy định của dự án Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng, nhóm khách hàng và người có liên quan 10% và 15% vốn tự có tổ chức tín dụng
Với quy định này, đại diện của nhiều ngân hàng cho biết người liên quan là đối tượng rất khó xác định và thường xuyên thay đổi như con rể, con dâu, con nuôi, cha – mẹ nuôi. Vì thế, dự án luật cần cụ thể hóa người liên quan là đối tượng có quan hệ huyết thống (cha, mẹ, anh, chị, em ruột, con ruột).
Liên quan đến dư nợ cho vay đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 15% và 25% vốn tự có, Tổng giám đốc Công ty Cho thuê tài chính TNHH MTV Kexim Việt Nam, ông Lee Won-hyung (Hàn Quốc), cho rằng tỉ lệ này quá thấp để công ty tài chính đáp ứng nhu cầu vốn nền kinh tế. Bởi lẽ, các công ty này không huy động tiền gửi từ dân cư, quy mô vốn không lớn. Trong khi đó, tại Hàn Quốc không giới hạn tín dụng đối với công ty cho thuê tài chính.
“Vì thế, ban soạn thảo dự án Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) có thể điều chỉnh giới hạn tín dụng công ty cho thuê tài chính đối với một khách hàng là 20%, nhóm khách hàng hàng là 40% vốn tự có”- ông Lee Won-hyung đề xuất.
Về mục đích sử dụng vốn vay, đại diện của Tổ chức Tài chính vi mô CEP (Quỹ CEP) cho rằng dự án luật quy định người vay tiền của tổ chức tài chính vi mô phải chứng minh mục đích sử dụng vốn là không khả thi. Vì lẽ, phần lớn khách vay là hộ nghèo. Họ thường vay từ 3 đến 10 triệu đồng để sản xuất, chăn nuôi hoặc kinh doanh nhỏ lẻ nên không thể có chứng từ chứng minh.
“Thế nên, dự án Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) cần điều chỉnh sao cho phù hợp thực tiễn, nếu không người dân sẽ không tiếp cận được vốn từ các tổ chức tài chính vi mô, buộc phải tìm đến tín dụng đen”- đại diện CEP kiến nghị.