Trong đó, TPB của TPBank tăng mạnh nhất (5,9%), đóng cửa tuần ở mức 17.000 đồng/cp. TPB cũng là một trong những mã ngân hàng được khối ngoại mua nhiều nhất tuần vừa rồi với giá trị mua ròng hơn 16 tỷ đồng.
Mã tăng mạnh tiếp theo là CTG của VietinBank với mức tăng 5% trong tuần. Nhiều mã tăng trên dưới 4% như SHB (4,2%), SGB (3,8%), VPB (3,6%), STB (3,5%).
Trong khi ngược lại, VCB của Vietcombank – cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường lại giảm mạnh nhất ngành, mất 3,3% thị giá trong tuần. Đóng cửa ngày 10/11, giá cổ phiếu VCB còn 86.000 đồng/cp.
Trong tuần qua, Vietcombank cũng thông báo với cổ đông về việc tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 24 trong tháng 11 này. Nội dung chính của Đại hội là để bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023-2028.
OCB sau khi tăng mạnh 11,2% trong tuần trước, bước sang tuần này cũng đã điều chỉnh giảm. Cổ phiếu này giảm 1,1% trong 5 phiên vừa qua, đóng cửa ngày 10/11 ở giá 13.750 đồng/cp.
Thanh khoản khớp lệnh toàn ngành tuần qua đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tương đương với bình quân gần 2.300 tỷ đồng/phiên, cao hơn so với mức 2.000 tỷ đồng/phiên của tuần trước.
STB tiếp tục là mã có giá trị giao dịch khớp lệnh cao nhất, đạt gần 2.800 tỷ đồng. Ngoài ra có 2 mã cũng có thanh khoản trên 1.000 tỷ trong tuần qua là VPB và SHB.
Trong đó, giá trị khớp lệnh VPB tăng 55% so với tuần trước. Ngoài ra, theo phương thức thỏa thuận có 44 triệu cổ phiếu VPB trao tay giữa các nhà đầu tư tuần này, giá trị hơn 900 tỷ đồng.
Ngày 10/11, VPBank đã chốt danh sách cổ đông để thực hiện chi trả cổ tức 10% bằng tiền mặt. Thời gian dự kiến thực hiện chia cổ tức là ngày 20/11/2023. Với hơn 7,9 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, VPBank sẽ chi ra hơn 7.900 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Đây là lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua, VPBank thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt.
Khối ngoại có động thái mua ròng với các cổ phiếu ngân hàng như CTG, TPB, STB và HDB. Trong đó, mã HDB được mua ròng hơn 5 triệu đơn vị trong tuần vừa rồi, giá trị 85 tỷ đồng.