Sáng 13-10, giá vàng SJC xuống còn 70,1 triệu đồng/lượng
Lúc 9 giờ ngày 13-10, vàng miếng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn mua vào 69,45 triệu đồng/lượng, bán ra 70,15 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại các doanh nghiệp khác cũng được mua- bán xoay quanh mức giá này.
Riêng giá vàng nhẫn là 56,5 triệu đồng/lượng mua vào, 57,5 triệu đồng/lượng bán ra, không thay đổi so với mức giá hôm trước
Như vậy, so với mức giá đầu ngày 11-10 là 69,75 triệu đồng lượng, đến nay, giá vàng SJC đã tăng 500.000 đồng/lượng. Còn giá vàng nhẫn chỉ tăng 200.000 đồng/lượng.
Dù giá vàng SJC, giá vàng nhẫn biến động mạnh nhưng nhân viên các tiệm vàng ở khu vực chợ Tân Định, Bà Chiểu, Gò Vấp (TP HCM) cho hay trong sáng 13-10, thị trường không nóng sốt nhưng lượng khách hàng đi mua vàng nhẫn có tăng hơn bình thương. Trong vàng SJC lại có ít khách hàng mua-bán.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Văn Đang, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc – Đá quý ASEAN (AJC), cho biết trong 2 ngày (11 và 12-10), giá vàng thế giới liên tục tăng khi chiến sự khu vực Trung Đông nóng lên đã kéo sức mua của giới đầu tư tại Việt Nam tăng đột biến, đẩy giá vàng SJC lên tới 70,25 triệu đồng/lượng vào cuối ngày 12-10.
“Thế nhưng rạng sáng 13-10, khi giá vàng thế giới từ 1.885 USD/ounce lùi về vùng 1.870 USD/ounce. Sức mua vàng của giới đầu cơ trong nước cũng chững lại khiến giá vàng SJC giảm nhiệt”- ông Đang phân tích.
Trong khi đó, bà Hàn Thị Bình, chủ doanh nghiệp tư nhân vàng Kim Phát Mạnh I (TP HCM), cho hay thời gian gần đây, thị trường xuất hiện nhiều người lướt sóng vàng nghiệp dư. Họ thường theo dõi thị trường quốc tế, nếu giá vàng thế giới đi lên, họ mạnh tay mua vàng miếng SJC với kỳ vọng loại vàng này sẽ tăng giá mạnh hơn.
“Khi vàng SJC đạt mức giá mục tiêu, những người lướt sóng sẽ nhanh tay bán ra chốt lời. Giá vàng SJC sẽ giảm trong chớp mắt. Vì thế, tại thời điểm này, người không am hiểu thị trường mua vàng SJC có thể gặp bất lợi”- bà Bình khuyến cáo.