Cụ thể, tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng miếng SJC đang được niêm yết ở mức 73,3-74,3 triệu đồng/lượng. Tương tự, giá mua vào vàng miếng SJC tại Tập đoàn DOJI, Bảo Tín Minh Châu, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận cũng phổ biến quanh mức 73,3 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 74,3 triệu đồng/lượng.
Đối với loại vàng nhẫn tròn trơn 24k, giá niêm yết có sự chênh lệch đáng kể giữa các thương hiệu. Tại Bảo Tín Minh Châu, loại vàng này đang có giá 61,48-62,58 triệu đồng/lượng. Trong khi đó tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng 24k thấp hơn tới 1 triệu đồng mỗi lượng so với Bảo Tín Minh Châu, đang niêm yết ở mức 60,6-61,65 triệu đồng/lượng. Tại Tập đoàn DOJI, giá vàng 24k lại ở mức 61,2-62,15 triệu đồng/lượng.
Hiện giá vàng SJC đã ở sát vùng đỉnh đạt được (trên 74,5 triệu đồng/lượng). Trong khi đó, giá vàng 24k còn cách khá xa so với mức đỉnh (hơn 63 triệu đồng/lượng).
Trên thị trường quốc tế, giá vàng đi ngang sau khi tăng dựng đứng ngày 13/12. Hiện giá vàng giao ngay đứng ở mức 2.037 USD/ounce, tương đương với khoảng 60 triệu đồng/lượng khi quy đổi theo tỷ giá VND/USD hiện hành, chưa bao gồm thuế, phí.
Giá vàng tăng sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) kết thúc cuộc họp chính sách ngày 13/12. Theo đó, FED đã quyết định không nâng lãi suất. Đây là lần thứ 3 kể từ tháng 3/2022 (sau cuộc họp hồi tháng 6 và cuộc tháng 9) Fed ngừng không tăng lãi suất. Trước đó, Fed đã có 11 lần tăng lãi suất, với tổng mức tăng 525 điểm cơ bản, đưa lãi suất quỹ liên bang FFR từ mức thấp kỷ lục 0-0,25% thời Covid lên mức 5,25-5,5% – cao nhất kể từ năm 2001.
Cùng với quyết định lãi suất, FED cũng dự báo có ít nhất 3 đợt giảm lãi suất trong năm 2024, với giả định mỗi lần giảm 25 điểm cơ bản. Con số này thấp hơn dự báo 4 lần giảm 25 điểm của thị trường trước đó. Tuy nhiên, nó cho thấy sự quyết liệt hơn của FED so với tinh thần trong cuộc họp hồi tháng 9/2023.