Hôm nay (9/4), giá vàng nhẫn và vàng miếng tiếp tục lập đỉnh giá mới, khi chiều nay giá vàng nhẫn trơn 24k lập kỷ lục hơn 7,7 triệu đồng/chỉ, vàng miếng mua vào 8,2 triệu đồng/chỉ, bán ra 8,4 triệu đồng/chỉ, nhưng nhiều nơi ở TP.HCM không có vàng nhẫn và vàng miếng để bán.
Tại TP.HCM, ngày 9/4, dù giá vàng nhẫn tiếp tục tăng cao và lập đỉnh mới nhưng tại các cửa hàng kinh doanh vàng và trang sức của PNJ rất vắng khách. Một số cửa hàng cho biết, không có vàng nhẫn trơn để bán cho khách và vàng miếng cũng hết.
Chị Hà, nhân viên bán hàng ở cửa hàng PNJ, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh cho biết, khoảng 1 tuần nay hết nhẫn vàng trơn, trong khi giá vàng đang biến động nhiều, nên công ty cũng không cung cấp không đủ vàng bán cho khách hàng như trước. “Hàng hiếm nên giá cũng tăng, trong khi lãi suất ngân hàng thấp nên nhiều người đã rút tiền ở ngân hàng để mua vàng”, chị Hà nói.
Hệ thống cửa hàng của PNJ ở TP.HCM cũng đã hết nhẫn vàng trơn để bán, nhiều khách đến mua không được đành đi về. Khách có hỏi đến khi nào hàng về, các nhân viên bán hàng đều trả lời chưa biết. Tại Trung tâm kinh doanh vàng và trang sức của PNJ ở góc đường Hai Bà Trưng – Điện Biên Phủ, quận 1 – nơi kinh doanh lớn nhất của PNJ, nhân viên cho biết, vàng nhẫn đã hết mấy hôm nay và chỉ còn vàng miếng loại 1 chỉ.
Chủ tiệm vàng Kim Thanh khu vực chợ Tân Định, quận 1 cho biết, nhẫn vàng trơn thương hiệu của tiệm bán ra giá 7,4 triệu đồng/chỉ, mua vào với giá từ 7,1 – 7,2 triệu đồng/chỉ, tùy số lượng. Giá bán này lúc 11h30 trưa nay thấp hơn giá các thương hiệu vàng lớn khác như PNJ, SJC từ 500.000-1 triệu đồng/chỉ. Nếu khách mua số lượng lớn phải đặt hàng.
Còn cửa hàng vàng Tuyết Nhung ở khu vực này cũng không trưng bày nhẫn trơn nhưng khi khách hỏi thì vẫn có hàng để bán. Trong những ngày qua, vàng nhẫn mỗi ngày tăng hơn 1 triệu đồng/lượng, còn vàng miếng đã lập đỉnh giá mới khi chiều nay giá bán tăng lên 8,48 triệu đồng/chỉ.
Lý giải về giá vàng nhẫn tăng cao liên tục trong những ngày qua, TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, do chúng ta siết lại việc quản lý vàng và xử lý một số vụ buôn lậu vàng, trong khi thời điểm này chưa cho nhập vàng chính ngạch, khiến nguồn cung vàng trong nước càng khan hiếm, từ đó đẩy giá tăng cao và nhanh so với biên độ tăng của thế giới.
“Để rút ngắn chênh lệnh giá vàng và giải quyết “cơn khát vàng” trong nước như hiện nay, đầu tiên phải cho nhập khẩu vàng chính ngạch trở lại. Chúng ta không cho hoặc hạn chế nhập khẩu vàng chính ngạch, vàng cũng sẽ len lỏi thông qua đường tiểu ngạch. Vì vậy, tốt nhất là chúng ta nhập khẩu vàng với hạn mức nhất định, dựa trên thặng dư của ngoại tệ và cán cân thương mại”, TS Nguyễn Hữu Huân nêu ý kiến.