Làn sóng tăng giá vàng hiện tại được thúc đẩy bởi hy vọng chiến dịch thắt chặt tiền tệ ở các nước phương Tây phần lớn đã thực hiện xong.
Song, mặc dù các dấu hiệu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương phương Tây khác đã hoàn tất việc tăng lãi suất là tín hiệu tích cực đối với kim loại quý, nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất tác động đến thị trường vàng.
Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn 50% thị trường vàng vật chất, điều này khiến hai đối thủ nặng ký của châu Á có ảnh hưởng lớn đến quỹ đạo giá có thể xảy ra.
Dấu hiệu nhu cầu tiêu dùng chậm lại
Tính theo đồng nội tệ, vàng đang gần đạt mức cao kỷ lục ở cả Trung Quốc và Ấn Độ, và có những dấu hiệu cho thấy điều này có thể bắt đầu tác động đến nhu cầu bán lẻ ở cả hai nước.
Giá vàng giao ngay hôm thứ Hai (27/11) đã đạt mức cao kỷ lục 6 tháng, là 2.017,82 USD/ounce, tương đương tăng 11,5% kể từ mức thấp gần đây là 1.809,50 USD của ngày 6 tháng 10.
Tính theo đồng rupee Ấn Độ, vàng đạt 168.145 rupee/ounce vào thứ Hai, gần với mức cao nhất mọi thời đại là 169.401 rupee đạt tới vào ngày 4 tháng 5, tức là tăng 11,8% kể từ mức thấp gần đây vào ngày 6 tháng 10 là 150.401 rupee.
Mặc dù nhu cầu vàng của Ấn Độ vẫn ổn định cho đến năm 2023, phù hợp với sức mạnh của nền kinh tế trong nước, nhưng có vẻ như một số động lực có thể xuất phát từ thị trường.
Mức trừ lùi (chênh lệch giữa giá do các đại lý đưa ra so với giá chính thức trong nước, bao gồm 15% thuế nhập khẩu và 3% thuế bán hàng) đã tăng gấp đôi lên 6 USD/ounce vào tuần trước trong bối cảnh có báo cáo rằng nhu cầu ‘mờ nhạt’ dù sắp vào mùa cưới.
Câu chuyện ở Trung Quốc cũng tương tự, với mức chênh lệch giá giao ngay giảm 20 – 40 USD/ounce vào tuần trước, từ mức 43 USD xuống còn 58 USD trước đó.
Một tín hiệu khác về nhu cầu của Trung Quốc đại lục là nhập khẩu vàng từ đặc khu hành chính Hồng Kông giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 10.
Dữ liệu từ Cục Thống kê và Điều tra Dân số Hồng Kông cho thấy, nhập khẩu ròng của Trung Quốc từ Hồng Kông giảm 23% xuống 26,793 tấn trong tháng 10, so với 34,757 tấn trong tháng 9. Giá vàng thế giới tăng cao và tình trạng bất ổn kinh tế kéo dài ở quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới rất có thể là những lý do khiến nhu cầu nhập khẩu giảm sút.
Giá vàng giao ngay tính theo nội tệ Trung Quốc đạt 14.433 nhân dân tệ/ounce vào thứ Hai, gần sất mức cao kỷ lục 14.701 nhân dân tệ đạt tới hôm 27 tháng 10. Giá hiện cao hơn 15,7% so với mức thấp nhất năm 2023 là 12.479 nhân dân tệ hồi giữa tháng Hai.
Giá vàng cao đối với người tiêu dùng ở Trung Quốc có thể tiếp tục làm giảm nhu cầu vàng tổng thể của nước này trong quý 4, sau khi Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) báo cáo đã sụt giảm trong quý 3.
Trong báo cáo Xu hướng Nhu cầu Vàng mới nhất, WGC cho biết nhu cầu trang sức của Trung Quốc trong quý 3 là 153,7 tấn, giảm 6% so với mức 163,2 cùng quý năm ngoái.
Quan điểm của WGC cho rằng đây thực sự là một kết quả hoạt động khá tốt, chỉ ra thực tế là tính theo đồng nhân dân tệ thì kết quả của quý 3 là mức cao kỷ lục.
Tuy nhiên, liệu người tiêu dùng Trung Quốc có sẵn sàng tiếp tục mua vàng khi giá cao hay không là câu hỏi lớn, và lượng nhập khẩu từ Hồng Kông giảm cũng như mức chênh lệch giá giảm cho thấy người tiêu dùng có vẻ ngày càng miễn cưỡng trong việc mua vàng.
Điều này cũng đúng với Ấn Độ, quốc gia cũng chứng kiến nhu cầu trang sức trong quý 3 ở mức vừa phải, với WGC báo cáo chỉ tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022 lên 155,7 tấn từ 146,2 tấn.
Nhưng điều đáng chú ý là mức tăng trong quý 3 diễn ra trong bối cảnh giá cả trong nước sụt giảm – vốn có xu hướng giảm từ tháng 5 đến đầu tháng 10. Như vậy, đợt tăng giá gần đây có thể sẽ làm giảm mức tăng nhu cầu ở Ấn Độ trong quý hiện tại.
2/3 yếu tố tích cực
Nhìn chung, vàng có xu hướng tăng giá bền vững khi ba động lực chính về mặt nhu cầu đang cùng lúc phối hợp với nhau. Đó là hoạt động mua đầu tư (điển hình là việc tăng nắm giữ vàng trong các quỹ giao dịch trao đổi vàng (ETF), mua của ngân hàng trung ương và cuối cùng là mua đồ trang sức, vàng thỏi và tiền xu.
Dòng vốn vào các quỹ ETF đã tăng lên trong những tuần gần đây, mặc dù vẫn còn cách xa mức cao nhất vào năm 2023.
Hoạt động mua của ngân hàng trung ương diễn ra mạnh mẽ trong quý 3, theo thống kê của WGC là 337 tấn, là quý tăng mạnh thứ 2 trong lịch sử các quý 3 được ghi nhận.
Tuy nhiên, không thể bỏ qua những dấu hiệu cho thấy những cơn gió ngược chống lại các động lực tích cực, điển hình là giá cao đang làm suy yếu mức tăng nhu cầu vàng tại các thị trường trọng điểm là Trung Quốc và Ấn Độ.
Điều này không có nghĩa là vàng không thể tăng thêm nữa, nhưng có thể trở nên không chắc chắn như dự đoán khi chính sách thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế phương Tây có thể chấm dứt.
Tham khảo: Reuters