Mất khả năng thu hồi hàng nghìn tỷ
Tình trạng nợ BHXH, BHTN kéo dài, đặc biệt là tại các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, hoặc không hoạt động tại địa chỉ đăng ký đã ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi NLĐ. Do doanh nghiệp không còn hoạt động, số nợ gần như “vô chủ” khiến nhiều NLĐ không thể chốt được sổ, xác nhận thời gian đóng để giải quyết chế độ như thất nghiệp,
hưu trí
, hoặc chuyển đóng ở đơn vị mới. Có NLĐ bị nợ từ năm 2008 tới nay, nhưng doanh nghiệp đã phá sản, nay không biết tìm ai để đòi.
Riêng tại Hà Nội tính tới tháng 9/2023, có số lượng lớn doanh nghiệp nợ BHXH, BHTN kéo dài, thời gian nợ lên tới gần 10 năm với số tiền nhiều tỷ đồng như: Công ty Cổ phần Lisohaka nợ lên tới hơn 15 năm, với tổng nợ 7,2 tỷ đồng.
Tiếp đến, Công ty CP Xây dựng giao thông và Thương mại 124 nợ 159 tháng với tổng nợ hơn 13,9 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Xây dựng Công trình Giao thông 875 nợ kéo dài gần 14 năm, tổng nợ hơn 7,4 tỷ đồng; Công ty CP 116 – Cienco1 nợ kéo dài 14 năm với số tiền hơn 19,5 tỷ đồng; Công ty CP Công nghiệp xây dựng Toàn Phát nợ kéo dài gần 14 năm với số tiền hơn 13,6 tỷ đồng…
Xét theo số tiền nợ BHXH, BHTN, Công ty CP Anh ngữ APAX nợ nhiều nhất lên tới hơn 54,7 tỷ đồng và đã kéo dài 43 tháng; Công ty CP Lilama 3 nợ gần 44 tỷ đồng kéo dài gần 10 năm; Công ty TNHH May mặc Xuất khẩu VIT Garment nợ gần 36 tỷ đồng trong hơn 3 năm.v.v…
Tại Hà Nội cũng có một số công ty có tên tuổi lớn nợ tiền BHXH, BHTN nhiều tỷ đồng, như Công ty Cổ phần Khóa Minh Khai, Công ty Cổ phần Cửa sổ nhựa châu Âu (Eurowindow), một số đơn vị thành viên của Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama); Tập đoàn FLC… Nếu tính các đơn vị chậm nộp BHXH, BHTN từ 1 tháng trở lên, ở Hà Nội hiện có hơn 53 nghìn doanh nghiệp, tổ chức.
Số liệu từ BHXH Việt Nam cho thấy, tính tới hết năm 2021, cả nước có khoảng 26,6 nghìn doanh nghiệp, tổ chức đang nợ BHXH, BHTN của hơn 206 nghìn lao động, với tổng số nợ hơn 3.176 tỷ đồng. Số nợ này được xếp vào diện khó có khả năng thu hồi, do doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, hoặc không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký.
Đóng bù?
BHXH Việt Nam vừa đề xuất Bộ LĐ-TB&XH báo cáo cấp thẩm quyền một số giải pháp để xử lý tình trạng nợ BHXH, BHTN khó thu hồi. Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, số nợ của các doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn không có khả năng thu hồi không phải diện ưu tiên thanh toán trước từ nguồn tiền thanh lý tài sản; cũng không có quy định người điều hành doanh nghiệp nợ BHXH, BHTN khi lập doanh nghiệp mới phải thanh toán nợ cũ.
Tính tới tháng 6/2023, cả nước có hơn 32,7 nghìn doanh nghiệp, tổ chức nợ BHXH, BHTN khó có khả năng thu hồi, với tổng số tiền nợ hơn 3,9 nghìn tỷ đồng.
Để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, BHXH Việt Nam cho rằng, với tiền nợ BHXH, BHTN khó có khả năng thu hồi từ năm 2021 về trước, nên cho phép xóa lãi chậm nộp (khoảng 914 tỷ đồng).
Với tiền nợ gốc hơn 2,2 nghìn tỷ đồng, cơ quan này đề xuất dùng nguồn kết dư quỹ BHTN để trả. Do quỹ BHTN cũng hình thành từ tiền của NLĐ, doanh nghiệp, Nhà nước, nếu dùng quỹ này trả nợ vẫn đảm bảo nguyên tắc đóng – hưởng và kết dư quỹ BHTN đủ lớn để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, lãnh đạo BHXH Việt Nam nhìn nhận, giải pháp này không phù hợp với quy định hiện hành. Nếu thực hiện có thể dẫn tới khả năng doanh nghiệp chây ỳ đóng BHXH cho NLĐ; không thực sự đảm bảo sự công bằng giữa các doanh nghiệp cùng đóng bảo hiểm.
Để ngăn chặn tình trạng
nợ BHXH
, BHTN kéo dài, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã bổ sung nhiều chế tài để thu nợ, như phong tỏa hóa đơn, cấm xuất cảnh, khởi kiện, xử lý hình sự với đơn vị nợ BHXH, BHTN kéo dài… Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đang xây dựng cũng định hướng sửa quy định để quỹ BHTN có thể dùng dự phòng rủi ro, giải quyết nợ BHXH khó có khả năng thu hồi; sử dụng hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn.