Cổ phiếu ngân hàng là nhóm có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong suốt thời gian qua, nhóm ngành này cũng được kỳ vọng phục hồi, thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường. Tuy nhiên diễn biến trên thực tế chưa được như mong đợi.
Tại Diễn đàn đầu tư 2024 tổ chức ngày 9/11, triển vọng ngành cổ phiếu “vua” nhận được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư.
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research nêu, trong suốt giai đoạn vừa rồi, chúng ta đã chờ sự phục hồi của nhóm ngân hàng để dẫn dắt toàn thị trường. Bởi tỷ trọng ngành Ngân hàng chiếm khoảng 30% vốn hoá toàn thị trường nên kỳ vọng này là hợp lý.
Có cơ sở để tìm được những ngân hàng tốt, có khả năng bứt phá trong thời điểm khó khăn nhất. Bà Phương dự báo, ngành Ngân hàng có thể tăng trưởng lợi nhuận 17% trong năm 2024.
Dự báo này đến từ giả định rằng, tăng trưởng tín dụng năm sau khá hơn năm nay, đặc biệt là kỳ vọng nửa cuối năm sau khi kinh tế thế giới phục hồi, xuất khẩu tăng rõ ràng hơn, tạo nhiều công ăn việc làm, chi tiêu tiêu dùng đẩy mạnh trở lại,… giúp triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp tốt hơn.
Yếu tố thứ hai là biên lãi thuần (NIM), gần như được hiểu là biên lợi nhuận của ngân hàng. Chỉ tiêu này trong năm nay chịu áp lực lớn khi chi phí đầu vào lớn, kỳ vọng áp lực năm sau sẽ giảm dần do mức trung bình lãi suất sẽ thấp hơn.
“Yếu tố cuối cùng là thu nhập từ phí của ngân hàng năm nay rất yếu, tạo cơ sở cho năm sau là các ngân hàng sẽ thu phí tốt hơn từ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đấy là động lực để giúp cho các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt có thể duy trì được mức tăng trưởng vượt trội”, bà Phương chia sẻ.
Còn theo bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích VDSC, dư nợ tín dụng trên tổng GDP của Việt Nam hiện trên 120%, điều này cho thấy sự phụ thuộc lớn của nền kinh tế vào ngân hàng. Vì vậy, sức khoẻ của các ngành kinh tế có sự ảnh hưởng nhất định tới ngành Ngân hàng.
Vì điều này nên VDSC sẽ có cách tiếp cận khác về cổ phiếu ngân hàng. Có những giai đoạn cần tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng, có giai đoạn tập trung vào chất lượng tài sản.
Bà Lam nêu, chất lượng tài sản của ngân hàng đa số đến từ nợ vay. Dư nợ của các ngân hàng niêm yết chiếm 60-70% chưa bao gồm trái phiếu doanh nghiệp, có nghĩa là mức rất cao. Khi chất lượng bị suy giảm thì chi phí dự phòng của các ngân hàng sẽ gia tăng. Trong giai đoạn bình thường, chi phí dự phòng chiếm trên 20% thu nhập các ngân hàng kiếm được. Do vậy chất lượng tài sản là yếu tố VDSC quan tâm.
“Khi phân tích sẽ thấy tăng trưởng lợi nhuận quý III/2023 yếu. NIM bị ảnh hưởng là yếu tố lớn nhất làm giảm lợi nhuận ngân hàng. Yếu tố thứ hai là chi phí hoạt động, yếu tố khác là thu nhập dịch vụ và thu nhập ngoài lãi. Đây là những nguồn thu nhập có tương quan nhất định trong sự chuyển động của nền kinh tế. Ngoài ra, yếu tố đóng góp tích cực lớn nhất vào tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng là tài sản sinh lãi hay tăng trưởng dư nợ cho vay của các ngân hàng”, chuyên gia VDSC cho biết.
Về chi phí dự phòng có sự phân hoá, đối với một số ngân hàng chi phí dự phòng giảm đóng góp tích cực và tăng trưởng lợi nhuận. Ngược lại chi phí dự phòng tăng ảnh hưởng tiêu cực tới ngân hàng. Chi phí tín dụng đang ảnh hưởng lớn tới ngân hàng nhóm 2. Trong khi các nhóm còn lại đang có sự phân hoá.
CASA tạo đáy trong quý I/2023 và phục hồi trong quý II/2023. Trong quý III/2023, NIM của các ngân hàng vẫn đi ngang, cho thấy hiệu ứng của việc huy động lãi suất cao vào cuối năm 2022 đã bắt đầu được tiêu hoá dần. Các ngân hàng đã bắt đầu điều chỉnh được lãi suất vay.
“Tuy nhiên VDSC kỳ vọng mức độ phục hồi NIM sẽ vừa phải. Năm nay, các ngân hàng đang nhận được sự hỗ trợ lớn từ chính sách. CASA, NIM hay tăng trưởng tín dụng sẽ phụ thuộc vào nền kinh tế trong năm sau. Với những kỳ vọng về việc nền kinh tế năm tới tốt hơn thì tổng thu nhập của các ngân hàng sẽ tốt hơn vào năm sau”, bà Lam nhận định.