Hiện nay, tổng giá trị bất động sản thế chấp tại các ngân hàng chiếm khoảng 70% tổng tài sản đảm bảo cho những khoản vay. Thậm chí ở một số nhà băng, tỷ lệ này còn lên đến 80-90%, lớn hơn nhiều lần tổng dư nợ cho vay…
Thời gian gần đây, tình hình kinh tế không mấy khả quan khiến hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ gặp khó đã tác động tiêu cực đến khả năng trả nợ của khách hàng, khiến rủi ro nợ xấu gia tăng. Để cứu vớt những khoản nợ xấu, không ít ngân hàng phải “ráo riết” công bố danh sách bất động sản là tài sản thế chấp cho các khoản vay để thu nợ.
Ngân hàng VietinBank vừa thông báo về việc bán đấu giá tài sản bảo đảm ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam để thu hồi nợ của 5 công ty.
Cụ thể, tài sản đảm bảo của Công Ty TNHH Thương mại & Dịch vụ du lịch Hoàng Hùng Phát được rao bán là Quyền sử dụng đất và công trình khách sạn Le Pavillon Hoi An Central Luxury Hotel & Spa hình thành trong tương lai tại thửa đất số 328 tờ bản đồ số 32 khối Ngọc Thành, phường Cẩm Phô, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Giá khởi điểm của tài sản là hơn 92 tỷ đồng, chưa bao gồm thuế, phí, lệ phí và các chi phí khác (nếu có).
Một khách sạn khác cũng được VietinBank rao bán, là tài sản bảo đảm của Công ty TNHH Sea Front One. Quyền sử dụng đất này có diện tích 408,2m2 và khách sạn trên đất có quy mô 7 tầng với 40 phòng ngủ. Giá khởi điểm tài sản là 36,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, VietinBank Hội An cũng rao bán bất động sản khác là tài sản bảo đảm của Công ty TNHH Du lịch Bảo Trí là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 69, tờ bản đồ số 39 khối Thanh Nam, phường Cẩm Châu, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Tài sản này có giá khởi điểm 23,2 tỷ đồng…
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM – cho rằng, thực tiễn các năm gần đây cho thấy “tỷ lệ nợ xấu” có dấu hiệu tăng, đáng lo ngại “tính đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng ở mức 3,36% (cuối năm 2020 là 1,69%, năm 2021 là 1,49%, năm 2022 là 2%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu tại Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu so với tổng dư nợ ở mức 5,1%.
“ Do vậy, việc “luật hóa” Nghị quyết số 42 của Quốc hội vào Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) phù hợp với tính chất và “phạm vi điều chỉnh”của từng Luật này là hết sức cần thiết và cấp bách”, ông Châu nói.
Theo ông Châu, Nghị quyết 42 xử lý nợ xấu được thực hiện thí điểm trong thời hạn 5 năm và đã được Quốc hội cho phép gia hạn 1 lần đến hết ngày 31/12, nên khó thể tiếp tục gia hạn do không phù hợp với tính chất “thí điểm”của Nghị quyết.
Vì vậy, chỉ nên lựa chọn thực hiện theo 1 trong 2 phương án, một là chấm dứt hiệu lực của Nghị quyết số 42 của Quốc hội vào ngày 31/12/2023 do đã thực hiện “thí điểm” trong gần 7 năm, không thể tiếp tục kéo dài việc thực hiện “thí điểm” này; hoặc hai là phải xem xét việc “luật hóa” Nghị quyết 42 vào Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) phù hợp với tính chất của từng Luật này để xây dựng thành quy phạm pháp luật “ổn định” để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý “khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai”.
Ông Châu kiến nghị, Luật Các tổ chức tín dụng nên quy định: Bên mua khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà tài sản bảo đảm của khoản nợ đó là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai được quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua.
Việc thực hiện chuyển nhượng dự án, một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm của khoản nợ đó theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.